COVID-19 tại ASEAN hết 12/2: Toàn khối trên 48.400 ca tử vong; Philippines lạc quan thận trọng

Đến hết ngày 12/12, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 48.400 ca tử vong. Người dân Philippines lạc quan thận trọng khi chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Hoa tươi rực rỡ được bày bán chào đón Tết Nguyên đán tại một trung tâm thương mại ở Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.427 ca mắc COVID-19 và 322 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.234.014 ca mắc COVID-19 trong đó có 48.435 ca tử vong và 1.921.882 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó riêng Indonesia chiếm phần lớn với 275 ca. Với 9.869 ca nhiễm mới Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan nhanh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới trên 32.600 người.

Tình hình Malaysia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với 3.318 ca nhiễm mới trong ngày 12/2. Trong khi đó, Myanmar và Thái Lan đang dần khống chế được dịch với lần lượt 21 và 175 ca nhiễm mới.

Các quốc gia Timor Leste, Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào, trong khi Campuchia, Brunei mỗi nước có thêm 1 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 12/2/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Philippines lạc quan thận trọng khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng

Một làn sóng lạc quan thận trọng đang râm ran khắp Philippines khi chính phủ nước này chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà COVID-19 trong tháng này.

Trang Straits Times (Singapore) dẫn kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 12/2 cho thấy có 7/10 người Philippines tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID đã qua. Tâm lý lạc quan này được thể hiện chủ yếu tại vùng thủ đô Manila - với 13 triệu dân và là điểm nóng dịch nghiêm trọng nhất, chiếm một nửa tổng ca bệnh toàn quốc.

Với trên 540.000 ca nhiễm và gần 12.000 ca tử vong, Philippines đang là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao thứ hai khu vực chỉ sau Indonesia.

Giới chức y tế nước này dự kiến sẽ thực hiện tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer trong tuần tới. Hầu hết số này sẽ dành cho khoảng 50.000 nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên tại ít nhất 4 bệnh viện ở Manila.

Theo kế hoạch ban đầu, những liều vaccine đầu tiên sẽ đến tay người tiêm vào 15/2, nhưng lô hàng của Pfizer đã có một chút chậm trễ. 

Chú thích ảnh
Philippines dự kiến sẽ triển khai 117.000 liều vaccine Pfizer trong tuần tới. Ảnh: EPA-EFE

Philippines đã ký hợp đồng bảo đảm cung cấp vaccine COVID từ 5 nhà sản xuất, với số lượng 105 triệu liều cho dân số 100 triệu người.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte ngày 12/2 cho biết, khoảng 60.000 liều vaccine được cung cấp bởi Sinovac, Trung Quốc, sẽ được giao vào ngày 23/2, nhưng hiện chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có vaccine của Pfizer và AstraZeneca được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Các chuyên gia dự đoán có thể phải đến năm 2023 Philippines mới có thể tiêm chủng cho 3/4 dân số và đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca nhiễm mới giảm nhẹ và ca tử vong cũng ít hơn. Số lượng trung bình ca tử vong/ngày giảm từ 59 vào tháng 9/2020, xuống 42 vào tháng 10/2020, 33 vào tháng 11/2020 và 17 ca vào tháng 1/2021 và 6 ca kể từ ngày 1 đến 10/2/2021. 

Cùng ngày 12/2, người phát ngôn Tổng thống Philippines Duterte cho biết, chính phủ cho phép mở lại rạp phim, các tụ điểm công cộng nhằm hỗ trợ hồi phục tăng trưởng. Từ một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines đã hứng chịu sự sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất trong năm 2020 do các biện pháp phong toả, hạn chế phòng dịch. 

Malaysia: Tỉ lệ lây nhiễm giảm xuống 0,88

Tỷ lệ lây nhiễm, còn gọi là R0, với virus gây COVID-19 tại Malaysia đã giảm từ 1,05 xuống còn 0,88 chỉ trong vòng 2 tuần. 

Theo Tổng Giám đốc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, vào ngày 28/1, R0 của nước này là 1,05, tăng lên 1,16 vào ngày 31/1 trước khi giảm xuống 0,99 vào ngày 5/2 và 0,88 vào 11/2.

Chú thích ảnh
Tỷ lệ lây nhiễm tại Malaysia đang giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Ảnh: Straits Times

R0 của một virus là chỉ số thể hiện tốc độ lây nhiễm, hoặc con số ca lây nhiễm mới phát sinh ra từ mỗi ca bệnh. Tỉ lệ R0 bằng 1 có nghĩa là trung bình, mỗi người nhiễm bệnh sẽ lây cho một người khác mà họ có tiếp xúc.

Theo nghiên cứu, với R0 ở mức 1,2, con số ca bệnh tại Malaysia có thể tăng lên 10.000 ca/ngày vào giữa tháng 3; với R0 bằng 1,1, Malaysia sẽ đạt 9.000 ca/ngày.

Tiến sĩ Noor Hisham từng cho biết R0 cần phải giảm xuống mức 0,5 để phá vỡ chuỗi lây nhiễm tại Malaysia. 

Đến hết ngày 12/2, Malaysia ghi nhận 3.318 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 258.306 trường hợp, bao gồm 953 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng COVID-19 tại Medan ngày 10/12/2021. Ảnh: EPA-EFE

Indonesia triển khai tiêm chủng bất chấp khó khăn hậu cần

Theo Straits Times, tại Indonesia, chi phí để vận chuyển một container lạnh chứa vaccine từ Jakarta tới Jayapura, thuộc tỉnh Papua, có thể cao gấp đôi so với khi được nhập khẩu từ Thượng Hải về Jakarta với cùng khoảng cách.

Vận chuyển là một thách thức lớn ở quần đảo lớn nhất thế giới. Quốc gia này được cho là chỉ có một số lượng ít xe tải lạnh, các kho và container lạnh so với quy mô dân số. Những "nút cổ chai" khác về cảng biển và giao thông càng khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Tháng trước, công ty dược quốc doanh Bio Farma bắt đầu phân phối 3 triệu liều vaccine Cononavac từ Sinovac (Trung Quốc) tới toàn bộ 34 tỉnh. Cảnh sát và quân đội Indoneisa đã được huy động tham gia chiến dịch phân phối vaccine. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia dự định sẽ tiêm chủng cho 181,5 triệu dân, chiếm 2/3 tổng dân số 270 triệu người, trong vòng 15 tháng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng

Tuy nhiên những thách thức lớn vẫn ở phía trước. Các cơ sở lưu trữ ở ngoại ô Java rất hiếm. Lưới điện ở các vùng hẻo lánh không đủ cung cấp cho những thiết bị lạnh tăng cường, chẳng hạn một container lạnh 6 mét đã tiêu thụ tới 12.000 watt để khởi động.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 đem đến những món quà 'đắt và độc' trong dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc
COVID-19 đem đến những món quà 'đắt và độc' trong dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc

Nỗi lo lắng về đại dịch đã khiến nhiều người hủy kế hoạch tới thăm gia đình, bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Để bù đắp vì không thể gặp mặt, mọi người tập trung tìm kiếm những món quà đặc biệt cho những người thân yêu của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN