Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.810 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 6 ca tử vong mới vì COVID-19. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ hai Đông Nam Á trong vòng 24 giờ qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.376 ca bệnh mới và 19 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 29.969 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 208 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.302.911 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.121.576 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 11/12.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 11/12:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
605,243 |
+6,310 |
18,511 |
+175 |
496,886 |
Malaysia |
80,309 |
+1,810 |
402 |
+6 |
67,173 |
Philippines |
447,039 |
+1,504 |
8,709 |
+8 |
409,329 |
Myanmar |
105,863 |
+1,376 |
2,220 |
+19 |
84,338 |
Thái Lan |
4,180 |
+11 |
60 |
|
3,903 |
Singapore |
58,305 |
+8 |
29 |
|
58,192 |
Việt Nam |
1,391 |
+6 |
35 |
|
1,238 |
Campuchia |
357 |
+1 |
|
|
307 |
Brunei |
152 |
|
3 |
|
147 |
Lào |
41 |
|
|
|
33 |
Timor-Leste |
31 |
|
|
|
30 |
Tại Singapore, giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Tychan của Singapore phát triển đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/12.
Loại kháng thể này có thể giúp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 phục hồi nhanh hơn đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm. Có 1.305 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm. Nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công, loại kháng thể này sẽ được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) và các cơ quan quản lý khác trình lên để xem xét như một loại thuốc điều trị mới.
Hồi tháng 10 vừa qua, HAS đã "bật đèn xanh" cho Tychan bắt đầu tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối. Theo ông Ooi Eng Eong, đồng sáng lập công ty Tychan, giai đoạn một thử nghiệm kéo dài 6 tuần hồi tháng 6 với 23 tình nguyện viên khỏe mạnh đã mang lại kết quả tốt về độ an toàn.
Công ty Tychan đang tìm kiếm sự hợp tác với các cơ sở y tế khác tại các quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 vẫn còn cao. Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Ban Phát triển kinh tế của Singapore nằm trong số các đối tác mà Tychan hợp tác để phát triển loại kháng thể này. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng thường được thực hiện theo 4 giai đoạn, bắt đầu với một nhóm nhỏ để kiểm tra độ an toàn và các tác dụng phụ của thuốc, sau đó được tiến hành với các nhóm lớn hơn để quyết định về tính hiệu quả.
Singapore cùng ngày cũng đã phê chuẩn bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của hãng thiết bị y tế Advanced MedTech để sử dụng trong việc xét nghiệm dịch họng, qua đó tăng năng lực xét nghiệm và đẩy nhanh thời điểm mở cửa trở lại các đường biên giới và nối lại các hoạt động kinh tế.
Đây là bộ xét nghiệm đầu tiên kiểu này của Advanced MedTech được phê chuẩn. Singapore coi việc xét nghiệm là một trụ cột trong chiến lược nhằm từng bước mở cửa biên giới trở lại sau thời gian dài phải đóng cửa trong năm 2020. Quốc đảo này sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 5/2021 và cho biết các biện pháp an toàn sẽ bao gồm việc xét nghiệm khi nhập cảnh, xét nghiệm trước sự kiên và định kỳ trong thời gian diễn ra sự kiện.
Indonesia tiếp tục là điểm nóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á khi nước này ngày 11/12 ghi nhận thêm 6.310 ca mắc và 175 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày.
Với số liệu mới nhất trên, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 605.243 ca, trong khi số ca không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này cũng tăng lên 18.511 ca, cả hai chỉ số đều cao nhất Đông Nam Á.