Có 4 quốc gia có số ca mắc mới trên 1.000 ca ở ASEAN trong ngày 10/12 là: Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.
Trong ngày 10/12, có 4 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 gồm: Indonesia, Myanmar, Philippines và Malaysia.
Indonesia ghi nhận 6.033 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 598.933 ca.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 165 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 18.336 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.
Tại Malaysia, với 2.234 ca mắc mới ngày 10/12, nước này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. Selangor có số ca mắc mới cao nhất trong các bang với 1.428 ca. Kỷ lục trước đó của Malaysia là 2.188 ca vào ngày 24/11. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng lên 396 sau khi có thêm 3 ca tử vong mới trong ngày 10/12.
Tại Philippines, Bộ Y tế thông báo đã có 445.540 ca mắc COVID-19 sau khi ghi nhận 1.383 ca mới ngày 10/12. Số ca mắc mới cao nhất là ở thành phố Quezon với 83 ca. Nước này cũng có thêm 24 ca tử vong trong ngày 10/12.
Tại Myanmar, số ca mắc và tử vong mới trong ngày 10/12 lần lượt là 1.321 và 27, nâng tổng số ca mắc và tử vong tử đầu dịch lên 104.487 và 2.201.
Các cơ quan chức năng Campuchia ngày 10/12 đã quyết định đóng cửa một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn ở hai tỉnh Mondulkiri và Kratie, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ thủ đô Phnom Penh có dấu hiệu lan ra các địa phương.
Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri - ông Svay Sam Eang cho biết nhà chức trách đã đóng cửa khu nghỉ dưỡng Relax Hi Resort ở thành phố Sen Monorom cho tới ngày 24/12, sau khi xác nhận một bệnh nhân COVID-19 đã lưu trú tại địa điểm này. Trong thông báo gửi Ban quản lý khu nghỉ dưỡng Relax Hi Resort, ông Sam Eang cho biết du khách có tên Ith Komal, 35 tuổi, sinh sống tại Phnom Penh, từng mua sắm ở cửa hàng Zando ngày 27/11 và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 8/12.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Kratie cùng ngày cũng đóng cửa khách sạn Champa Pich ở tỉnh này sau khi truy vết và phát hiện bệnh nhân Ith Komal từng nghỉ tại đây đêm 1/12. Toàn bộ 62 nhân viên khách sạn này đã được yêu cầu cách ly ngay tại khách sạn trước khi được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Tính đến 10/12, Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại nước này là 356 người, trong đó có 39 ca liên quan tới “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”.
Trước đó, ngày 9/12, phát biểu nhân chủ trì Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10 triệu người dân trong giai đoạn một. Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi tất cả các nước cùng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vaccine ngừa COVID-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị Bộ Kinh tế và Tài chính nước này chuẩn bị kinh phí mua vaccine COVID-19, đồng thời đề xuất Bộ Y tế bàn bạc với WHO để xác định nên mua vaccine của nước nào.
Thủ tướng Hun Sen cho biết tính đến ngày 9/12, Chính phủ Campuchia đã nhận được hơn 36,8 triệu USD của các nhà tài trợ để mua vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, khẳng định WHO và các đối tác đang nỗ lực hết sức để có thể mang đến nguồn vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả với giá hợp lý cho những người có nguy cơ cao và những người được ưu tiên tiêm phòng tại tất cả các quốc gia một cách nhanh nhất có thể, thông qua sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX
Theo bà Li Ailan, một khi được các quốc gia thông qua, những vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đưa vào sản xuất và phân phối đến các nước. Với tiến độ hiện nay, WHO hy vọng vaccine bắt đầu được phân phối vào năm 2021 và Campuchia có thể nhận được số vaccine hỗ trợ đủ để tiêm phòng cho 20% dân số nước này vào đầu hoặc giữa năm 2021.
Đại diện WHO cũng đánh giá cao việc Campuchia lên kế hoạch tiêm phòng vaccine, sẵn sàng nhận vaccine và huy động nguồn tài chính để mua vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan sẵn sàng sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các thành viên của nhóm ACMECS vào giữa năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẽ giúp tăng cường ACMECS, đặc biệt là về sức khỏe cộng đồng. Ông cho biết Thái Lan đã ký thỏa thuận đặt mua vaccine ngừa COVID-19 với một công ty của Anh và Thái Lan dự kiến sẽ nhận được giấy phép sản xuất vào giữa năm 2021. Ông nói: “Thái Lan sẽ phân loại thuốc và vaccine ngừa COVID-19 là hàng hóa công cộng để người dân ở khu vực sông Mekong có thể tiếp cận một cách bình đẳng với giá cả hợp lý”.