COVID-19 tại ASEAN hết 11/1: Indonesia tăng vọt 70% ca mới; Philippines vượt 3 triệu ca bệnh

Trong ngày 11/1, các quốc gia ASEAN ghi nhận trên 56.500 ca mắc COVID-19 và 524 ca tử vong. Indonesia chứng kiến ca nhiễm mới tăng 70% trong 1 ngày, trong khi Thái Lan chuẩn bị xếp COVID-19 thành bệnh đặc hữu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/1/2022, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 56.552 ca mắc mới COVID-19 và 524 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 15.392.113 trường hợp, và 308.811 ca tử vong. Toàn khối có 14.374.203 bệnh nhân đã bình phục.

Làn sóng Omicron lan tới các nước Đông Nam Á đã làm đảo ngược tình thế ở một số quốc gia. Trong đó Philippines chứng kiến cú ngoặt lớn nhất. 

Tại Philippines, ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, sau một khoảng thời giam giảm xuống dưới ngưỡng 500 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 28.007 ca nhiễm, 219 ca tử vong, dẫn đầu khu vực. Đến nay, Philippines đã ghi nhận trên 3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 52.500 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Manila vào 7/1/2022. Ảnh: AFP

Việt Nam đứng thứ hai khu vực về ca mắc và tử vong mới trong ASEAN với lần lượt 16.035 ca và 256 ca trong ngày 11/1. Như vậy, tổng số ca mắc ở nước ta đã lên tới 1.930.428 trường hợp, bao gồm 34.787 ca tử vong. 

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 7.133 ca và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.

Ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan thông báo nước này sẽ kéo dài việc tạm ngừng chương trình miễn cách ly và áp đặt các lệnh hạn chế mới, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang tăng vọt trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia đứng thứ tư trong khu vực về ca nhiễm mới, với 2.641 ca, và 18 ca tử vong. Với sự xuất hiện biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ngày 6/1, Cơ quan Kiểm soát dược phẩm (PBKD) của nước này đã phê duyệt tiêm  vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Số ca nhiễm mới tại Singapore đã tăng vượt qua mốc 500 duy trì nhiều tuần qua, với 750 ca nhiễm mới trong ngày 11/1. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. 

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 3/1 cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại Singapore cho đến nay vẫn "ổn định”, song số ca nhiễm biến thể Omicron ngày càng tăng báo hiệu một làn sóng lây nhiễm mới biến thể này "trong những ngày hoặc những tuần tới". 

Chú thích ảnh
Hành khách lên xe buýt tại Singapore trong chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 34 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới trong ngày. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia: Số ca mắc tăng 70% chỉ trong một ngày

Ngày 11/1, Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết đã ghi nhận 802 ca mắc mới COVID-19 và 4.267.451 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020.

Đáng chú ý, số ca mắc mới trong ngày 11/1 đã tăng hơn 70% so với mức 454 ca được công bố một ngày trước đó, chủ yếu do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bộ Y tế Indonesia dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại nước này sẽ đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 2 tới. Cho đến nay, Indonesia đã ghi nhận 414 ca nhiễm Omicron, trong đó phần lớn là các ca nhập cảnh. Theo người phát ngôn Bộ Y tế, phần lớn các bệnh nhân nhiễm Omicron không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ như ho, cúm và sốt. Ngoài ra, đa số họ cũng đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine COVID-19. 

Người đứng đầu bộ phận xử lý y tế thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 Alexander K. Ginting cho biết số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại Indonesia đã tăng đột biến do kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2022, cũng như do sự lây lan nhanh hơn của biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông Alex khẳng định rằng sự gia tăng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền trung ương và địa phương.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan cân nhắc xếp COVID-19 vào danh mục bệnh đặc hữu 

Bộ Y tế Thái Lan dự định đưa COVID-19 vào danh mục các bệnh đặc hữu trong năm nay vì làn sóng hiện tại cho thấy các triệu chứng nhẹ và người dân đã tích cực tham gia tiêm phòng.

Ngày 10/1, Thư ký thường trực về sức khỏe cộng đồng Kiattiphum Wongrajit đã thông tin về kế hoạch của Bộ Y tế, trong đó cho biết làn sóng mới liên quan biến thể Omicron đang lây lan nhanh, song đa phần các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. Trước tình hình này, Bộ Y tế cần hành động để xếp COVID-19 vào danh mục bệnh đặc hữu. 

Ông Kiattiphum nêu rõ chiến lược của Bộ Y tế Thái Lan trong năm 2022 là làm giảm đà lây lan dịch COVID-19 vì các đợt bùng phát với tốc độ quá nhanh có thể làm quá tải các hệ thống y tế cũng như có nguy cơ xuất hiện thêm các đột biến.  

Ông Kiattiphum khẳng định Bộ Y tế có đủ vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả để thực hiện chiến lược nói trên. Bên cạnh đó, người bệnh với các triệu chứng nhẹ có thể được cách ly tại nhà và sớm bình phục sau một thời gian ngắn. Bộ Y tế đảm bảo có đủ thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ bệnh nhân cách ly tại nhà và các bệnh viện trên cả nước sẵn sàng tiếp nhận nhanh chóng những trường hợp có triệu chứng nặng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại bệnh viện ở Mandaluyong City, Philippines ngày 5/1/2022. Ảnh: Philstar

Philippines: Omicron chiếm phần lớn các mẫu giải trình tự gien.

Bộ trưởng Y tế Philippines, Francisco Duque tối 10/1 cho biết biến thể Omicron đang trở thành biến thể chủ đạo ở quốc gia Đông Nam Á này. Kết quả giải trình tự gien 48 mẫu bệnh phẩm gần đây nhất vào ngày 3/1 cho thấy 60,42% mẫu bệnh phẩm (29 mẫu) là các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong khi số trường hợp nhiễm biến thể Delta chiếm tỷ lệ 37,5% (18 mẫu).  
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc sẽ không phong tỏa Bắc Kinh vì Olympic Mùa Đông
Trung Quốc sẽ không phong tỏa Bắc Kinh vì Olympic Mùa Đông

Các quan chức Trung Quốc vào ngày 11/1 tuyên bố sẽ không có kế hoạch phong tỏa Bắc Kinh cho đến khi tổ chức Olympic Mùa Đông đồng thời bổ sung rằng ngay cả khi xuất hiện biến thể Omicron tình hình vẫn nằm trong kiểm soát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN