COVID-19 tại ASEAN hết 10/10: Thái Lan thắng lợi với 'hộp cát'; Campuchia sắp 'bình thường mới'

Trong ngày 10/10, các nước ASEAN ghi nhận gần 36.000 ca nhiễm mới, 456 ca tử vong. Thái Lan thành công với mô hình "hộp cát" du lịch, trong khi Campuchia dự định 10-15 ngày tới sẽ mở cửa lại nền kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
Giáo viên hướng dẫn học sinh học trực tuyến tại Taguig, Philippines, ngày 3/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 35.911 ca mắc mới COVID-19 và 456 ca tử vong (có 3 quốc gia không cập nhật dữ liệu). Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.558.127 trường hợp và 268.758 ca tử vong. Toàn khối có 11.825.680 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó  Philippines ghi nhận 119 ca; Việt Nam ghi nhận 113 ca; Thái Lan báo cáo 84 ca; Malaysia thêm 74 ca, Indonesia ghi nhận 39 ca tử vong, Campuchia thêm 24 ca và Lào thêm 2 ca và Brunei thêm 1 ca tử vong.

Các quốc gia gồm Singapore, Myanmar không cập nhật dữ liệu mới tính đến cuối ngày 10/10.

Với 12.159 ca nhiễm trong ngày 10/10, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.666.562 ca, bao gồm 39.624 ca tử vong.

Thái Lan đứng thứ hai với 10.807 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 1.710.884 trường hợp, bao gồm 17.691 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 7.373 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.339.594.

Indonesia chỉ ghi nhận 894 ca nhiễm trong ngày, nhưng nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.227.932 trường hợp và 142.651 ca tử vong. Trong khi số ca nhiễm mới ở Campuchia ổn định quanh mức 200 ca ngày, mở ra hy vọng sẽ mở cửa lại nền kinh tế xã hội trong vòng 10-15 ngày tới.

Chú thích ảnh
Các vũ công biểu diễn tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch từ đầu tháng tới

Thái Lan sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó không có ổ dịch COVID-19 lớn nào trong các khu vực này. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết những khu vực sẽ được mở cửa từ 1/11 gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip). 

Quyết định của Chính phủ được đưa ra theo sau sự thành công của chương trình Hộp cát Phuket, vốn mang về 2,33 tỷ baht (68,83 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan trong 3 tháng qua kể từ khi ra mắt vào tháng 7.

Thủ đô Bangkok nhận được sự quan tâm đặc biệt vì đây là cửa ngõ của đất nước. Địa phương này là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với số ca mắc và tử vong cao nhất, mặc dù số ca mắc mới trên toàn quốc đã giảm xuống hơn 10.000 ca một ngày trong những tuần gần đây, mức mà các nhà chức trách cho rằng hệ thống y tế có thể kiểm soát được.

Hiện vẫn chưa rõ quan điểm của Chính quyền vùng đô thị Bangkok về kế hoạch này. Trước đó, thống đốc Bangkok cho biết thủ đô sẽ chỉ được mở cửa khi ông bật đèn xanh, đồng thời lưu ý rằng mục tiêu của ông là tỷ lệ tiêm chủng 70% ở tất cả các quận. Người phát ngôn Thanakorn nói rằng mặc dù khách du lịch có thể thích đến vùng biển hoặc miền núi hơn, nhưng hầu như mọi người đều phải đến Bangkok ít nhất một lần trong các chuyến đi đến Thái Lan. 

Chú thích ảnh
Khách du lịch thăm quan một ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, các nhà khai thác du lịch trong những khu vực hộp cát đang lạc quan về triển vọng cho mùa cao điểm sau khi Thái Lan được đưa ra khỏi danh sách đỏ của Vương quốc Anh về du lịch, có hiệu lực từ ngày 11/10. Chủ tịch Văn phòng miền Nam của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Kongsak Khoopongsakorn cho rằng việc nới lỏng các quy định về du lịch sẽ không chỉ tạo dựng lại niềm tin từ thị trường Anh mà còn các quốc gia khác ở châu Âu. Thời điểm thích hợp để thúc đẩy thị trường là trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Do dịch bệnh đang có xu hướng giảm, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã đồng ý cho phép các hãng hàng không được vận chuyển hết công suất chuyến bay, thay vì hạn chế 75% số chỗ ngồi như trước đây. Tuy nhiên, các hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm cấm ăn uống trên máy bay, có hệ thống thông gió tốt và giãn cách xã hội thích hợp khi lên xuống máy bay. Ngoài ra, hành khách đi máy bay phải được tiêm chủng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 10/10 ghi nhận thêm 10.817 ca mắc mới cùng 84 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.710.884 ca, trong đó có 17.691 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số lượng ca mắc mới cao nhất, với 1.185 ca được ghi nhận ngày 10/10.

Chú thích ảnh
Học sinh đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm dịch chuyển liên bang 

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tại cuộc họp báo chiều 10/10 tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).

Phát biểu trước báo giới, ông Ismail cho biết đây là một quyết định khó khăn trước áp lực của người dân và giới chuyên gia y tế. Tuy nhiên, chính phủ tin tưởng người dân Malaysia sẽ tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Ông Ismail cho biết dù các chốt cảnh sát trên đường cao tốc đã được dỡ bỏ nhưng cảnh sát có thể kiểm tra chứng nhận điện tử hoàn thành tiêm chủng của người dân tham gia giao thông trên đường cao tốc bất cứ lúc nào.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện 70,4% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19. Giới chức Malaysia kỳ vọng với độ phủ vaccine tương đối rộng, quốc gia này có thể tự tin từng bước nới lỏng những hạn chế trước đây và chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 như căn bệnh đặc hữu.

Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Trung tâm y tế Mawar, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết việc dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang là quyết định đúng đắn và đúng thời điểm vì bất kỳ sự trì hoãn nào có thể dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề liên quan, đặc biệt là vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Lệnh cấm dịch chuyển liên bang đã được dỡ bỏ một thời gian ngắn vào năm ngoái, nhưng được áp đặt trở lại vào tháng 1/2021 sau khi số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tăng đột biến. Lệnh cấm được thực hiện chặt chẽ từ sau tháng 5, nhất là sau khi Malaysia đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do nhiều người bất chấp lệnh cấm về quê vào dịp tết của người Hồi giáo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi tại Shah Alam, Malaysia, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia có thể mở cửa lại nền kinh tế xã hội trong 10-15 ngày tới

Ngày 10/10, Campuchia đã chứng kiến ​​ngày thứ 10 giảm đáng kể số ca mắc mới, với 239 trường hợp, nâng tổng số ca COVID lên 114.810 trường hợp.

Trước đó, ngày 9/10 Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia hoàn toàn có thể mở cửa nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực nếu tình hình COVID-19 vẫn ổn định ở mức hiện tại trong ít nhất 10-15 ngày liên tục.

“Tình hình COVID-19 hiện tại vẫn ổn định với dưới 20 ca tử vong mỗi ngày và dưới 300 trường hợp nhiễm được ghi nhận mỗi ngày. Nếu tình hình vẫn như hiện tại trong 10 đến 15 ngày tới, tôi nghĩ đã đến lúc mở cửa lại nền kinh tế và xã hội trên tất cả các lĩnh vực theo khái niệm bình thường mới”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
 Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Lào hối thúc nhóm có nguy cơ cao tiêm vaccine phòng COVID-19 

Ngày 10/10, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 508 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 507 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 28.540 trường hợp; trong đó có 26 người tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Viêng Chăn khi địa phương này ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày, với 400 trường hợp. Bộ Y tế Lào đang lo ngại các bệnh viện tại nước này sẽ quá tải khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, thậm chí nghiêm trọng hơn là số ca tử vong sẽ tăng do không được điều trị kịp thời. Đáng chú ý, những ca nhiễm và tử vong gần đây do COVID-19 tại Lào hầu hết chưa được tiêm phòng và đều là người cao tuổi, có bệnh nền.

Chú thích ảnh
Phun hoá chất diệt khuẩn tại Lào. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Chính vì vậy, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào kêu gọi người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế để được cung cấp vaccine ngừa COVID-19. Bộ này khẳng định tiêm chủng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm và giảm các triệu chứng nặng của bệnh. Đồng thời, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn yêu cầu ngành y tế nhanh chóng đưa người mắc COVID-19 đi điều trị và người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly kịp thời; tiến hành vệ sinh khử khuẩn địa điểm làm việc và nơi ở của người nhiễm bệnh; tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động cho cá nhân chưa được tiêm chủng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nhiều gia đình Ấn Độ tuyệt vọng vì không thể chứng minh người thân chết vì COVID-19
Nhiều gia đình Ấn Độ tuyệt vọng vì không thể chứng minh người thân chết vì COVID-19

Chính phủ Ấn Độ đã hứa sẽ đền bù 670 USD cho mỗi gia đình có người thân tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình nạn nhân có thể không nhận được số tiền này vì không thể chứng minh người thân chết vì COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN