Theo trang worldometers.info, trong ngày 10/7, ASEAN có thêm 2.982 ca bệnh ở 5 quốc gia và 98 ca tử vong ở 2 quốc gia.
Ca mắc mới chủ yếu ở Indonesia (1.611 ca) và Philippines (1.160 ca). Đây cũng là hai quốc gia ghi nhận ca tử vong trong 24 giờ qua, trong đó Indonesia có 52 người chết, còn Philippines có 46 người chết.
Ba quốc gia còn lại có ca mắc COVID-19 mới gồm Singapore (191 ca), Malaysia (13 ca) và Myanmar (7 ca).
Indonesia cân nhắc áp đặt lại biện pháp hạn chế nghiêm ngặt
Truyền thông sở tại ngày 10/7 dẫn lời người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Doni Monardo cho biết nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với các hoạt động tụ họp tại nhà và nơi công cộng sau khi các ca nhiễm mới tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp.
Thông báo của Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đã ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất trong ngày 9/7 với 2.657 ca, cao gần gấp đôi so với mức 1.853 một ngày trước đó và nâng tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn Indonesia lên 70.736. Trước đó, số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này chưa từng vượt quá 2.000 trong một ngày.
Theo ông Monardo, để dần mở cửa trở lại nền kinh tế, Chính phủ Indonesia đã cho phép các địa phương gỡ bỏ các hạn chế di chuyển và bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới” nếu hội đủ điều kiện là không có ca nhiễm mới hoặc số ca nhiễm có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, chính sách này sẽ được rút lại nếu các địa phương không thể duy trì kết quả chống dịch. Nếu các ca lây nhiễm tăng vọt trở lại, các biện pháp hạn chế xã hội sẽ tự động được siết chặt.
Phản ứng trước số ca lây nhiễm tăng vọt, Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đã trở lại vị trí “cầm đèn đỏ”, đồng thời yêu cầu các bộ trưởng cùng tất cả các chính quyền địa phương nhận thức được tình hình và phải hành động ngay lập tức.
Thái Lan hướng dẫn công dân và khách nước ngoài nhập cảnh
Tại Thái Lan, Bộ Ngoại giao đã công bố hướng dẫn đi lại đối với du khách nước ngoài và công dân Thái Lan trở về nước, về các bước cần thực hiện trước khi được cấp phép nhập cảnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao Thái Lan Natapanu Nopakun, trước tiên, người dân cần kiểm tra với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự Thái Lan tại nước sở tại xem liệu họ đủ điều kiện vào Thái Lan hay không. Hiện việc nhập cảnh vào Thái Lan chỉ áp dụng với công dân Thái trở về nước, hay những người nước ngoài có vợ/chồng là người Thái, hoặc có thị thực làm việc hoặc công tác.
Những người muốn bay về Thái Lan cần liên hệ với Đại sứ quán Thái Lan để đặt chỗ trong chuyến bay về nước. Trong khi đó, người nước ngoài cần đặt phòng tại khu cách ly, có giấy chứng nhận đủ sức khỏe lên máy bay và xét nghiệm âm tính với COVID-19 được tiến hành tối đa trước khi khởi hành là 72 giờ. Khách nước ngoài sẽ cần thêm bảo hiểm cho COVID-19.
Khi đến sân bay Thái Lan, người nước ngoài sẽ phải trải qua kiểm tra sức khỏe trước khi được chuyển đến khu cách ly. Từ ngày thứ 3 đến thứ 5 trong giai đoạn cách ly, họ sẽ được xét nghiệm COVID-19. Nếu kết quả âm tính, họ sẽ được kiểm tra lần 2 từ ngày thứ 11 ngày thứ 13 để xác nhận kết thúc giai đoạn ủ bệnh.
Sau khi vào Thái Lan, họ có thể đi lại trên cả nước, nhưng phải thông báo cho nhà chức trách y tế về nơi ở, tuân thủ nghiêm ngặt quy định y tế, tải về và sử dụng ứng dụng truy vết COVID-19 của chính phủ.
Campuchia chọn trường đủ tiêu chuẩn mở cửa lại
Một quan chức cấp cao Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng Hun Sen xin phép cho mở cửa trở lại trong tháng 8 tới một số trường học đáp ứng yêu cầu cao về vệ sinh phòng dịch.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cho biết tiến trình mở cửa trở lại các trường học sau hơn ba tháng đóng cửa là một phần trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của chính phủ nước này. Theo người phát ngôn bộ trên Ros Soveacha, giới chức Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao đã có cuộc gặp với đại diện Bộ Y tế và các bộ liên quan để bàn bạc về mở cửa trường học trở lại, với điều kiện các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay và đo thân nhiệt.
Theo kế hoạch, một số học sinh có thể theo học trên lớp và một số khác học trực tuyến sau khi được các phụ huynh đồng ý. Các trường học cần phải tổ chức một nhóm kiểm tra y tế để thường xuyên theo dõi sức khỏe của học sinh dưới sự giám sát của người đứng đầu cơ sở giáo dục và phải đảm bảo rằng các giáo viên, nhân viên và học sinh được xét nghiệm COVID-19.
Cách đây một tuần, ông Soveacha đã cho biết bộ này đang nghiên cứu để mở lại các trường học tại Campuchia theo ba giai đoạn. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ mở các trường chất lượng cao, giai đoạn 2 mở trường chất lượng trung bình và giai đoạn 3 mở các trường có chất lượng tối thiểu.
Theo thông cáo hồi tuần trước, 15 trường quốc tế tại Campuchia với gần 20.000 học sinh sẽ được mở cửa trở lại trước.
Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN về phòng chống COVID-19
Brunei đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tư lệnh Lục quân ASEAN nhằm thảo luận các vấn đề, trong đó có phần trao đổi kinh nghiệm về phòng chống dịch COVID-19.
Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức trực tuyến. Tại hội nghị, các Tư lệnh lục quân ASEAN đã đề cập nhu cầu hợp tác, hỗ trợ giữa lực lượng lục quân các nước ASEAN trong công tác phòng chống dịch, tăng cường đoàn kết, hợp tác tiến hành biện pháp ứng phó phù hợp.
Tư lệnh lục quân 10 nước ASEAN đã thống nhất tạm dừng tổ chức chương trình bắn súng quân dụng lục quân ASEAN 2020, quyết định tổ chức Hội nghị đa phương Tư lệnh lục quân ASEAN bằng hình thức trực tuyến vào tháng 11/2020.
Hội nghị đã đề cử Tư lệnh Lục quân Myanmar sẽ làm chủ nhà của Hội nghị đa phương Tư lệnh lục quân ASEAN và các chương trình của Lục quân ASEAN năm 2021.