Bà Fouad đã đưa ra nhận xét này trong bài phát biểu tại sự kiện cấp cao Kiểm kê và đánh giá toàn cầu (GST) tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Fouad nói thêm, nguồn vốn cần thiết để thực hiện cam kết của các nước đang phát triển cho đến năm 2030 là gần 6.000 tỷ USD. Tuy nhiên, dòng vốn hiện nay rất khiêm tốn hầu như không vượt quá 100 tỷ USD hàng năm. Bà Fouad tiết lộ rằng nguồn tài trợ cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng là hơn 1.000 tỷ USD hàng năm, cộng thêm 4.000 tỷ USD cần thiết cho mục tiêu trung hòa carbon.
Ngoài ra, theo bà Fouad, các báo cáo tài chính khí hậu ước tính thiếu hụt tài trợ là 2.500 tỷ USD, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ do các yếu tố bên ngoài, làm tăng chi phí tài chính và làm phức tạp việc tiếp cận các khoản vay. Về vấn đề này, bà Fouad tuyên bố rằng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã kêu gọi các quốc gia áp dụng một loạt biện pháp nhằm giải quyết các chi phí do những cuộc khủng hoảng khí hậu liên tiếp gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu, lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Bộ trưởng Môi trường Ai Cập lưu ý rằng một biện pháp quan trọng là đẩy nhanh kích hoạt các cơ chế quản lý nợ ở các nước đang phát triển, gồm cả các quốc gia có thu nhập trung bình, thông qua việc phát triển và mở rộng các cơ chế hoán đổi nợ để phát triển.
Theo bà Fouad, Tổng thống El-Sisi đã kêu gọi các nước tham gia sáng kiến Liên minh nợ bền vững do Ai Cập phối hợp với Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi phát động. Ông El-Sisi cũng ủng hộ sáng kiến Hiệp định Bridgetown của Thủ tướng Barbados nhằm loại bỏ tất cả các khoản phí bổ sung đối với các nước đang phát triển từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Môi trường Ai Cập cũng nhấn mạnh lời kêu gọi của Tổng thống El-Sisi về việc tăng gấp bốn lần nguồn tài trợ thích ứng và nhanh chóng kích hoạt các cơ chế tài chính mới.