Theo hãng tin Reuters, sản phẩm ra mắt thị trường vào ngày 20/5 này đã giành giải Ig Nobel vào năm ngoái. Ig Nobel là giải thưởng được trao hàng năm tôn vinh những nghiên cứu độc lạ.
Trong lần ra mắt đầu tiên, Kirin dự kiến bán 200 chiếc thìa điện tử với giá 19.800 yên/cái (3,2 triệu đồng) và chỉ bán giới hạn tại một thương hiệu bán lẻ của Nhật Bản vào tháng 6. Tuy nhiên, Kirin hy vọng sản phẩm này sẽ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và trong vòng 5 năm tới, khoảng 1 triệu người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm này trên toàn cầu.
Theo báo Nhật Bản Nippon, chiếc thìa điện tử có tên gọi Erekisoruto (ghép lại từ hai từ “muối” và “điện tử” trong tiếng Nhật) là sản phẩm sáng tạo của Giáo sư Homei Miyashita đang làm việc tại Đại học Meiji và Phó Giáo sư Hiromi Nakamura của Đại học Tokyo.
Cơ chế của chiếc thìa này là truyền một điện trường yếu từ thìa để tập trung các phân tử ion natri trên lưỡi nhằm tăng cường cảm nhận vị mặn của thức ăn. Được làm từ kim loại và nhựa, nặng 60 gram, thìa chạy bằng pin lithium có thể sạc để tái sử dụng.
Kirin cho biết công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt ở Nhật Bản – nơi mà một người trưởng thành trung bình tiêu thụ khoảng 10 gram muối/ngày, gấp đôi lượng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Lượng natri dư thừa có liên quan đến tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp, đột quỵ và các bệnh khác.
“Nhật Bản có nền văn hóa ẩm thực ưa chuộng vị mặn. Nhìn chung người Nhật cần giảm lượng muối ăn vào nhưng rất khó để từ bỏ những gì chúng ta đã quen ăn”, nhà nghiên cứu Ai Sato của Kirin giải thích.
Theo Phó Giáo sư Nakamura, ý tưởng đến với bà vào thời điểm bà đang làm nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Miyashita. Bà rất quan tâm đến “cấu trúc lưỡi” và tìm hiểu phương thức tương tác với các thiết bị điện tử. Liên quan đến vị giác, Phó Giáo sư Nakamura đã sử dụng mùi vị để xác nhận những hoạt động tương tác đó và nảy ra ý tưởng sử dụng “gia vị điện tử”.
Con người cảm nhận vị bằng cách sử dụng các tế bào gọi là thụ thể vị giác, phát hiện các hạt mang lại vị giác như ngọt, chua, mặn… sau đó truyền những kích thích đó đến não dưới dạng tín hiệu điện tử. Tuy nhiên, phản ứng đó không chỉ giới hạn ở thực phẩm. Dòng điện truyền vào lưỡi cũng có thể tạo ra vị giác.
“Khi lặp lại các thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi có thể nhanh chóng thay đổi hương vị của thực phẩm bằng cách sử dụng kích thích điện”, Phó Giáo sư Nakamura cho hay.
Nghiên cứu về việc truyền điện để thay đổi vị giác nơi lưỡi cảm nhận của hai nhà khoa học trên lần đầu được công bố vào năm 2010, với sản phẩm ban đầu là đũa và ống hút có thể thay đổi nhận thức về vị giác.
“Bạn không cần thêm muối, chỉ cần thêm điện. Hương vị gần giống như khi bạn thêm muối. Trên thực tế, tôi nghĩ điều đó còn khiến món ăn thậm chí còn ngon hơn”, Giáo sư Miyashita nói thêm.
Thìa tạo vị mặn không phải là sản phẩm khoa học duy nhất của Phó Giáo sư Nakamura giúp con người cảm nhận được một mùi vị cụ thể. Năm 2021, bà cũng phát triển thành công thiết bị TTTV thay đổi vị của rượu vang trắng thành rượu vang đỏ, mang lại hương vị sang trọng cho những thỏi sô-cô-la rẻ tiền hay thậm chí tạo ra vị sữa như bánh cua kem để những người bị dị ứng với cua có thể thưởng thức hương vị chưa từng được biết đến.
“Nếu chúng ta có thể tạo tất cả các loại hương vị bằng máy tính, chúng ta có thể nếm bất cứ thứ gì chúng ta muốn mà không phải lo lắng về cơ thể mình. Ví dụ chúng ta có thể giảm lãng phí thực phẩm bằng cách làm cho cà chua quá chín có vị như cà chua tươi hoàn toàn. Mục tiêu của tôi vẫn đang mở rộng và tôi sẽ nỗ lực phát triển trong lĩnh vực hương vị này”, bà Nakamura hứa hẹn.