Đối với Somjai Saekhow, huấn luyện khỉ hái dừa là một cách kiếm sống. Đây cũng là công việc mà nhiều người dân tại miền Nam Thái Lan đã làm trong nhiều thế kỷ.
Người phụ nữ 48 tuổi - người điều hành trường huấn luyện khỉ đầu tiên tại Surat Thani, cách Bangkok 650 km về phía nam - cho biết nông dân trồng dừa tại đây gắn kết chặt chẽ với loài khỉ đuôi lợn. Họ rất tự hào về những con khỉ, đặc biệt khi chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tập quán lâu đời này đang đối mặt với mối đe dọa sau khi bị các nhà hoạt động vì quyền động vật lên án. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến ngành thương mại dừa trị giá gần 400 triệu USD của “xứ sở chùa vàng”.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Thái Lan là quốc gia xuất khẩu nước cốt dừa hàng đầu thế giới, với 3 nhà nhập khẩu lớn nhất là Australia, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, sau những bê bối gần đây về việc sử dụng khỉ để hái dừa, nước cốt dừa Thái Lan đang dần biến mất khỏi các kệ siêu thị tại Anh, cũng như một số siêu thị ở Mỹ và Hà Lan.
Động thái này diễn ra sau một cuộc điều tra bí mật của Tổ chức Bảo vệ Quyền Động vật châu Á (PETA). Họ đã đến 8 vườn dừa và chứng kiến cảnh những con khỉ bị bắt hái dừa để cung cấp cho thương hiệu nước cốt dừa nổi nổi tiếng của Thái, như Aroy-D và Chaokoh.
Trong một tuyến bố vào đầu tháng này, PETA cho biết khi những con khỉ không làm việc, chúng sẽ bị trói lại, xích vào những chiếc lốp xe cũ hoặc bị nhốt vào những chiếc cũi chỉ vừa cơ thể chúng”. Một điều tra viên khác cũng tiết lộ “nếu những con khỉ này cố gắng chống cự, chúng có thể bị bẻ răng nanh”. (Xem video dưới - Nguồn: PETA):
Trong một tuyên bố hôm 3/7, ông Ingrid Newkirk, Chủ tịch PETA, cho biết thêm rằng hầu như tất cả các loại dừa từ Thái Lan đều do khỉ thu hoạch và chúng bị bóc lột sức lao động. Những con vật này không được động viên tinh thần, giao lưu, tự do và hưởng mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. PETA đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan cấm bóc lột sức lao động của khỉ.
Phản hồi lại cuộc điều tra cùng những video cáo buộc đi kèm, bà Carrie Symonds, hôn thê của Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã đăng lên Twitter cho rằng bà rất vui khi các nhà bán lẻ lớn như Waitrose, Co-op, Boots, Ocado và Morrisons, đã cam kết không bán các sản phẩm bóc lột sức lao động của khỉ và loại bỏ chúng khỏi các gian hàng.
Theo PETA, nhiều nhà bán lẻ khác cũng tuyên bố rằng họ đã loại bỏ các sản phẩm của Aroy-D và Chaokoh khỏi các kệ hàng, như Walgreens, Duane Reade của Mỹ, Abert Heijin của Hà Lan.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 7/7, Thai Agri Food - chủ sở hữu thương hiệu nước cốt dừa Aroy-D - đã phủ nhận cáo buộc mọi sản phẩm của họ đều được sản xuất bằng sức lao động của động vật. Thai Agri Food cho biết dừa được thu hoạch bằng dụng cụ vợt hái trái cây. Công ty Theppadungyh, nhà sản xuất nước cốt dừa Chaokoh, cũng nói rằng họ thu mua từ các khu vườn thu hoạch dừa bằng sức lao động của con người.
Huấn luyện viên khỉ Somjai tại Surat Thani cũng đã phủ nhận cáo buộc cho rằng những con khỉ hái dừa đều được bắt từ tự nhiên. Cô cho biết những con khỉ mà cô huấn luyện đều được người dân nuôi dưỡng, được bảo vệ cẩn thận khỏi những kẻ trộm động vật ở Thái Lan.
Ông Nirun Wongwanit, người sở hữu một trang trại dừa, chia sẻ ông đối xử với 38 con khỉ như con mình. Ông đã tranh luận về những phát hiện của PETA, đặc biệt là việc cho rằng những con khỉ đã bị ép lao động “điên cuồng”, phải hái tới 1.000 quả dừa mỗi ngày.
“Ở trang trại của tôi, một người công nhân sẽ làm việc cùng 2 con khỉ từ 8 rưỡi sáng đến 11 giờ trưa và tiếp tục làm từ 14 giờ 30 đến 17 giờ. Mỗi con khỉ có thể hái từ 400 - 500 quả dừa mỗi ngày. Nhưng không phải ngày nào chúng cũng làm việc. Chắc chắn, chúng tôi cũng không bẻ răng nanh của chúng, bởi vì chúng tôi cần chúng hái dừa trên cây”, ông Nirun 45 tuổi nói.
Ông cho biết mình muốn thuê nhiều công nhân hơn, ngay cả khi những con khỉ này làm việc “nhanh nhẹn hơn và có thể trèo từ cây này sang cây khác một cách dễ dàng”.
Luesak Pattanawat, một người huấn luyện khác đã so sánh những con khỉ hái dừa với việc sử dụng gia súc trong chăn nuôi. Người đàn ông 56 tuổi ước tính rằng có hàng nghìn con khỉ phải phục vụ cho ngành dừa tại miền Nam Thái Lan. Ông thừa nhận mình đã đào tạo 1 trong 4 con khỉ mà ông sở hữu lái xe đạp “vì khách du lịch có vẻ thích nó”.
Các quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan, đại diện của cơ quan bảo vệ động vât đã đồng ý đưa ra giải pháp đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm dừa của nước này. Bao bì sẽ được đánh dấu bằng mã riêng giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi nguồn gốc của sản phẩm, xem chúng có nguồn gốc từ các trang trại sử dụng khỉ để thu hoạch hay không.
Không phải mọi sản phẩm đều sử dụng sức lao động của khỉ để thu hoạch. Dừa lấy nước thường là một giống cây lùn, con người có thể dễ dàng hái bằng cách sử dụng các dụng cụ như que tre dài hoặc vợt hái.
Đây là lý do Narongsak Chuensuchon, thương hiệu nước dừa có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, đã không sử dụng bất kỳ con khỉ nào tại trang trại dừa non của mình ở tỉnh Ratchaburi. Họ cho biết chưa thấy đơn đặt hàng của mình bị giảm đi.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết những con khỉ hái dừa trên quy mô công nghiệp sẽ không còn xảy ra ở Thái Lan. Các nhà chức trách nước ngoài sẽ được mời đến đây để chứng kiến những con khỉ được đối xử như thế nào. Họ cũng cho biết tất cả các loài động vật trên đất nước đều được bảo vệ theo luật Phòng chống Ngược đại và Phúc lợi Động vật 2014. Thái Lan cũng không phải là quốc gia duy nhất sử dụng động vật cho mục đích kinh tế hoặc giải trí.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà xuất khẩu Thái Lan bị cáo buộc vi phạm đạo đức hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Vào năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa cấm hải sản của nước này với cáo buộc cho rằng họ đánh bắt cá bất hợp pháp và sử dụng lao động nô lệ trên tàu đánh cá của mình.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm ngoái, EU đã gỡ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Thái Lan, do nước này đã giải quyết thành công các nhược điểm trong các hệ thống quản lý và luật pháp ngành thủy sản.