Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Bạo lực không phải là phương tiện để thực thi các lợi ích chính trị hoặc cá nhân”, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum.
Về phần mình, Nga đã kêu gọi quân đội nhanh chóng thả Tổng thống Bazoum. Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi tất cả các bên xung đột kiềm chế sử dụng vũ lực và giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình và xây dựng.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk kêu gọi thực thi các nỗ lực nhằm khôi phục trật tự hiến pháp và pháp quyền. Ông Turk hối thúc trả tự do ngay lập tức và đảm bảo an toàn cho Tổng thống Bazoum.
Trước đó, sáng 27/7 (giờ Việt Nam), một nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình Niger cho biết Tổng thống nước này, ông Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong Dinh tổng thống. Nhóm binh sĩ trên tuyên bố: "Biên giới của đất nước đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban bố".
Trong diễn biến mới nhất, Tham mưu trưởng quân đội Niger, Tướng Abdou Sidikou Issa xác nhận ủng hộ tuyên bố của nhóm binh sĩ phế truất ông Bazoum nhằm tránh nguy cơ xung đột giữa các lực lượng.
Ông Bazoum được bầu làm Tổng thống Niger vào năm 2021, lên nắm quyền vào thời điểm quốc gia này đang chìm trong nghèo đói. Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tại Niger đã xảy ra 4 cuộc đảo chính cũng như nhiều âm mưu giành quyền lực khác, trong đó có cả các hành động nhằm vào chính ông Bazoum.