Colombia cấp phép sử dụng vaccine của Johnson & Johnson

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Colombia (INVIMA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 dạng 1 liều của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) nhằm bổ sung nguồn cung cho chương trình tiêm chủng của nước này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc INVIMA, ông Julio Cesar Aldanat ngày 25/3 đã công bố quyết định trên, đồng thời nêu bật ưu điểm của vaccine này là không cần điều kiện bảo quản khắt khe so với các loại vaccine ngừa COVID-19 khác đã được nước này cấp phép. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Colombia đã đạt thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer Inc/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Sinovac. Nước này dự kiến cũng sẽ tiếp nhận vaccine thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. 

Trước đó, Colombia cũng đã cấp phép sử dụng các loại vaccine do Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Sinovac phát triển. Với Johnson&Johnson, Colombia đã đạt được thỏa thuận mua 9 triệu liều vaccine của hãng.

Colombia ghi nhận 2,35 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 62.500 ca tử vong do COVID-19. Đến nay, nước này đã tiêm chủng hơn 1,38 triệu mũi vaccine. Colombia đặt mục tiêu tiêm chủng khoảng 70% dân số nước này nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. 

* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 25/3 thông báo Ankara đã khởi động tiến trình đàm phán sơ bộ về hợp đồng mua vaccine Sputnik V từ Nga, đồng thời cho biết, tới cuối tháng 5, nước này sẽ nhận được tổng cộng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. 

Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp với hội đồng khoa học về virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Koca cho hay tới đầu tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận 4,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech phát triển.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc phát triển. Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc ngày 14/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tiêm chủng được 14,13 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 8,18 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.

* Mỹ ngày 25/3 thông báo nước này sẽ cung cấp 15 triệu USD hỗ trợ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và thực phẩm cho người dân Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Quyết định này đánh dấu sự chuyển biến trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khôi phục hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân Palestine so với người tiền nhiệm Donald Trump. 

Các chương trình tiêm chủng cho người dân Palestine hiện nay phụ thuộc vào nguồn viện trợ và một số lượng vaccine hạn chế do Israel cung cấp. Đến nay, Israel đã tiêm chủng cho hơn 100.000 người lao động Palestine được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Israel hoặc các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Israel khẳng định tiêm chủng là trách nhiệm của chính quyền Palestine. Trong khi đó, Israel hiện là nước có tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao nhất thế giới. 

LHQ cũng đã công bố kế hoạch phân phát đủ vaccine để tiêm chủng cho 1 triệu người dân Palestines thông qua chương trình COVAX.

Lan Phương (TTXVN)
Thái Lan cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson
Thái Lan cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson

Ngày 25/3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirankul cho biết nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là loại vaccine tiêm 1 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN