Collectif Vietnam Dioxine đấu tranh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam

"Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và cá nhân tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn trong cuộc đấu tranh đòi công lý và quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, và buổi gặp gỡ hôm nay sẽ là một phần trong những bước tiếp theo trong cuộc đấu tranh đầy ý nghĩa đó".

Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khi tiếp các thành viên của tổ chức Collectif Vietnam Dioxine, ngày 2/10 tại thủ đô Paris.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu trong buổi gặp mặt các thành viên tổ chức Collectif Vietnam Dioxine ngày 2/10 tại thủ đô Paris. Ảnh: Thu Hà

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ đã đánh giá cao những nỗ lực và tâm sức mà các thành viên của tổ chức Collectif Vietnam Dioxine đã dành cho các chiến dịch vận động trong thời gian vừa qua, vừa để ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, vừa để quyên góp và giúp đỡ các nạn nhân da cam ở Việt Nam.

Đại sứ cũng bày tỏ khâm phục ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm của bà Trần Tố Nga đã kiên trì theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất cung cấp cho quân đội Mỹ chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vào những năm 1960-1970. Đại sứ khẳng định "tinh thần cũng như nhiệt huyết của bà Trần Tố Nga đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu vì chính nghĩa cao cả, đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam còn chịu đựng đến hôm nay".

Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng thông báo về những nỗ lực mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang thực hiện để làm dịu bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đại sứ cho biết hàng năm Nhà nước dành khoảng 400 triệu euro để chi cho các hoạt động chăm sóc, trợ giúp và đào tạo nghề cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định loại bỏ chất glyphosate khỏi danh mục các sản phẩm kiểm dịch thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam, một hành động được coi là có trách nhiệm của chính phủ Việt Nam, mong muốn đặt sức khỏe cộng đồng lên trên vấn đề kinh tế và thương mại. Hoạt động khử độc tại các địa điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi dioxine như sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng cũng đã và đang được triển khai với sự phối hợp của chính phủ Hoa Kỳ. Với Collectif Vietnam Dioxine, Đại sứ kêu gọi các thành viên tiếp tục có những hành động thiết thực và cụ thể để giúp đỡ và ủng hộ các nạn nhân da cam trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, đại diện của Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp đã chia sẻ những nỗ lực của họ trong việc triển khai các hoạt động nhằm kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga, tổ chức các đợt lấy chữ ký ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam hoặc vận động quyên góp tại các địa phương của Pháp và nhiều nước trong liên minh châu Âu như Đức, Bỉ. Là thành viên của Collectif Vietnam Dioxine, Hội Hữu nghị Pháp - Việt và các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp khẳng định tiếp tục cuộc đấu tranh ủng hộ nạn nhân da cam và đoàn kết với bà Trần Tố Nga trong cuộc chiến vì công lý.

Chú thích ảnh
Bà Trần Tố Nga bày tỏ sự cảm ơn và quyết tâm của mình khi theo đuổi cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam, trong đó có bà. Ảnh : Thu Hà

Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Trần Tố Nga bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm và sự ủng hộ của bạn bè Pháp và đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Bà cho biết chính những điều này đã tạo nên động lực để bà có thể tiếp tục cuộc chiến đến hơi thở cuối cùng. Là người đã khởi kiện nhiều công ty hóa chất Mỹ trong đó có hai tập đoàn lớn là Dow Chemical và Monsanto, đòi các công ty Mỹ phải bồi thường vì những căn bệnh bà đang mang trong mình do phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh, bà Trần Tố Nga mong muốn ngay cả sau này, khi bà không còn có thể chiến đấu được nữa, các thành viên của Collectif Vietnam Dioxine với tinh thần “can đảm, kiên nhẫn và hy vọng”, sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến giành công lý và ủng hộ giúp đỡ các nạn nhân da cam.

Ông Võ Định Kim, điều phối viên của Collectif Vietnam Dioxine đã khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chất độc da cam, kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân, cũng như ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Ông cho biết Collectif Vietnam Dioxine thậm chí đã viết thư đề nghị chính phủ Pháp dành một ngày trong năm để tưởng niệm các nạn nhân da cam. Ông chia sẻ : "Đây là một tham vọng lớn nhưng quan trọng, để thảm họa da cam và những nạn nhân của nó không bao giờ bị quên lãng".

Thành lập từ năm 2004, Collectif Vietnam Dioxine là tổ chức phi chính phủ, tập hợp gần 20 hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp, trong đó có Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội hữu nghị Pháp - Viêt (AAFV), Hội cựu chiến binh cộng hòa của Pháp (ARAC), Ủy ban Pháp về Làng hữu nghị Vân Canh, Quỹ cảnh báo về chất độc da cam (FaAOD), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF)... Với mục đích tuyên truyền về thảm họa chất độc da cam/dioxine tại Việt Nam và những hậu quả lâu dài của loại hóa chất độc hại này đối với con người và môi trường, vận động quyên góp để ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân ở Việt Nam, tổ chức này đã phát động nhiều đợt thông tin, tuyên truyền, triển lãm, cũng như kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè Pháp và cộng đồng quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chú thích ảnh
Gần 50 đại biểu đến từ các hội đoàn thành viên của tổ chức Collectif Vietnam Dioxine đã tham gia buổi gặp mặt các thành viên tổ chức Collectif Vietnam Dioxine. Ảnh: Thu Hà

 Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã đổ xuống Việt Nam 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có chứa gần 400kg dioxine, một trong những chất độc mạnh nhất, làm rối loạn chức năng nội tiết tố, miễn dịch và sinh sản, gây ra các bệnh lý như dị tật, suy nhược não, bệnh ngoài da, ung thư, thiếu hụt hệ thần kinh… Suốt 60 năm qua, các di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu ở Việt Nam. Cho đến nay, vẫn còn tồn tại một lượng dioxine không nhỏ ở một số khu vực làm ảnh hưởng đến môi trường. Hơn 3 triệu ha rừng và 4,8 triệu người Việt Nam đã và đang phải chịu hậu quả do thuốc diệt cỏ gây ra. Những thiệt hại về sức khỏe, môi trường và xã hội là không thể đong đếm được.

Thu Hà - Nguyễn Tuyên (TTXVN)
Người dân Pháp hướng về nạn nhân da cam Việt Nam
Người dân Pháp hướng về nạn nhân da cam Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chuyên mục "Diễn đàn" trên báo Le Monde đã đăng bài viết của Hiệp hội Collectif Vietnam-Dioxine kêu gọi chính giới Pháp và cộng đồng quốc tế ủng hộ các nạn nhân da cam ở Việt Nam và dành cho họ một ngày để tưởng niệm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN