Số nạn nhân là con, cháu, chắt (thế hệ thứ 3, thứ 4…) của người nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh lên đến hàng triệu người nhưng nhiều người hiện chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho nạn nhân da cam.
Nhiều nạn nhân thế hệ thứ 3, 4 chưa được hưởng chế độ
Do phơi nhiễm chất độc da cam từ ông nội, ngay từ khi sinh ra, Nguyễn Trọng Bảo (Vị Xuyên, Hà Giang) chỉ biết nằm, không có biểu hiện vận động. Gia đình đưa đi chạy chữa tại các bệnh viện từ tỉnh đến Trung ương, ai chỉ cách gì cũng làm theo với mong muốn con khỏi bệnh. Thế nhưng, đến nay 16 tuổi, Bảo vẫn không biết nói, biết ngồi; chân tay lèo khèo lại hay co giật bất thường. Cơ thể thường bị lở loét, dị ứng đồ ăn, thức uống.
Bà Nguyễn Thị Ngưng, bà nội của Bảo cho biết, các công việc hàng ngày như đánh răng, rửa mặt, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo… bà và gia đình đều phải phục vụ Bảo hoàn toàn. Khó khăn là vậy nhưng hiện nay Bảo chưa được hưởng trợ cấp liên quan đến chất độc da cam mà mới chỉ được hưởng trợ cấp theo chế độ người tàn tật với mức rất thấp.
Tương tự như vậy, gia đình bà Nguyễn Ngọc Viễn (Kiên Giang) có 6 người con, có tới 4 người khuyết tật các chi, không tự đi đứng, sinh hoạt được; trong đó có một cháu chỉ nằm một chỗ. Tuy nhiên, hiện nay, các cháu chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.
Bà Nguyễn Ngọc Viễn chia sẻ, tuy công việc của hai vợ chồng bấp bênh và thu nhập ít ỏi nhưng cũng tạm để lo liệu qua ngày. Chỉ sợ một ngày hai vợ chồng ngã bệnh hoặc già yếu không còn sức lao động, các con không biết nương tựa vào ai. Do đó, gia đình rất mong sẽ sớm có chế độ chăm sóc cho các cháu.
Theo thống kê từ các chuyên gia nghiên cứu: Từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít các chất độc hóa học, trong đó có khoảng 60% là chất da cam, có chứa 336kg dioxin. Dioxin là chất cực độc; chỉ cần 10 mg pha trong nước có thể thể giết chết cả triệu con người. Các loại chất độc hóa học được rải lặp lại rất nhiều lần, số lượng và nồng độ gấp hàng nghìn lần sử dụng trong nông nghiệp trước năm 1970. Chất độc hóa học đã làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm; trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Cả nước đã có hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam...
Hội Nan nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã xác định: Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của cộng đồng.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh cho biết: Dù đã rất nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân da cam và gia đình của họ trong nhiều năm qua nhưng theo thống kê hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt, thế hệ thứ 3, thứ 4 của nạn nhân chất độc da cam hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng”.
Cần sớm có chính sách cho nạn nhân gián tiếp
Kết quả các công trình khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định, chất độc da cam tác động đến hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, ảnh hưởng di truyền tới nhiều thế hệ sau; gây ra tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh ở con, cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm. Các chuyên gia cho rằng, việc xác định một người nhiễm chất độc hóa học không hề dễ dàng do nước ta chưa có tiêu chí, chính sách nghiên cứu để xác định thế hệ cháu, chắt có phải bị phơi nhiễm hoặc liên đới tới chất độc da cam hay không. Chuyên ngành y tế chưa có cơ sở để xác định bệnh do nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt, biến dị này không theo quy luật ngày càng tăng dần, mà có khi thế hệ sau khỏe mạnh nhưng đến đời con, cháu lại tái phát bệnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, số hồ sơ cần xem xét giải quyết chế độ còn tồn đọng nhiều; mức trợ cấp cho nạn nhân còn thấp. Đời sống của các nạn nhân chất độc da cam còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng, các gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân; nhiều nạn nhân còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Các cơ quan chuyên trách chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công nảy sinh một số vướng mắc…Do có nhiều khó khăn, bất cập nên việc giải quyết chính sách cho thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam bị đẩy chậm.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các đối tượng chính sách, đặc biệt là người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con, cháu họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Đối tượng cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học cần sớm được đưa vào vào khung chính sách ưu đãi người có công, như Chỉ thị 43-CT/TW, Chỉ thị 14- CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định 651/QĐ-TTg của Thủ tướng đã xác định; sớm tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng các cháu; sớm có chế độ chính sách về trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác cho những thế hệ thứ 3, 4 của nạn nhân như đối với con đẻ…
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH về Chính sách người có công trong đó có nạn nhân chất độc da cam nói chung và thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam nói riêng để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi; góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của các nạn nhân.