Phát động cuộc thi, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nêu rõ: Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng hơn 3 triệu người dân Việt Nam vẫn mang di họa của cuộc chiến tranh. Chất độc da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em sinh ra trong hòa bình bị dị dạng, dị tật. Nhiều người sống đời sống thực vật; di truyền dị tật sang cả thế hệ thứ thứ 3, thứ 4. Nhiều phụ nữ không được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn người đang phải sống trong đau đớn vì bệnh tật. Do bệnh tật nên dẫn đến đói nghèo, họ là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam", những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước “chung tay xoa dịu nổi đau da cam"; cổ vũ, động viên nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng, trong đó có nhiều người trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất của các địa phương.
Thực tế đó là những đề tài phong phú cho các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên khai thác, phản ánh; qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành chia sẻ, chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị các cơ quan báo chí, các tổ chức, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các nhà báo, cộng tác viên, hội viên và nhân dân cả nước tích cực tham gia cuộc thi; có nhiều tác phẩm xuất sắc, hấp dẫn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tính giáo dục cao, góp phần vào thành công của cuộc thi.
Giải báo chí với chủ đề "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam" được tổ chức dành cho tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; đội ngũ cán bộ hội các cấp, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam...
Tác phẩm tham gia dự thi là những bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra thuộc loại hình báo in, báo điện tử viết bằng tiếng Việt, được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến 30/3/2021.
Theo thể lệ cuộc thi, nội dung các tác phẩm phải tập trung phản ánh hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam; những tấm gương vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng; công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhà hảo tâm; công tác, xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam; cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, nhất là các vụ kiện các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ tiến hành trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam...
Các tác phẩm tham gia giải phải phản ánh khách quan, chân thực, chính xác, người thật, việc thật, không hư cấu; có tính phát hiện, tổng kết nêu gương, định hướng tư tưởng, có tính thuyết phục và đạt hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam.
Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm dự thi. Tác phẩm đã tham dự cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự. Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi là: Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam, số 35, đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội từ ngày 1/1/2021 đến 30/3/2021 (tính theo dấu bưu điện).
Kết quả cuộc thi sẽ được công bố, trao thưởng vào dịp Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8).