Một ông già 63 tuổi từng là kỹ sư có vẻ như không hợp lắm với hình ảnh điển hình của một sát thủ áo đen mang vũ khí chết người và có thể biến mất sau làn khói mờ ảo. Thế nhưng, ông già đó - Jinichi Kawakami - lại nổi tiếng với danh hiệu ninja cuối cùng của Nhật Bản.
Là người đứng đầu thứ 21 của thị tộc Ban, một thị tộc ninja có lịch sử từ cách đây 500 năm, ông Kawakami được coi là người bảo vệ sống cuối cùng của những ninja bí ẩn. Ông nói: “Tôi được coi là ninja cuối cùng vì có lẽ hiện nay không có ai khác ngoài tôi được học mọi kỹ năng trực tiếp từ các bậc thầy ninja trong 5 thế kỷ qua. Ninja theo đúng nghĩa của nó không còn tồn tại nữa”.
Ông Kawakami tại bảo tàng ninja Iga-ryu ngày 29/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Kawakami có những vũ khí và nắm được kỹ thuật trong các hoạt động gián điệp và phá hoại mà các ninja sử dụng để phục vụ các lãnh chúa thời phong kiến ở Nhật Bản.
Hiện nay, khái niệm ninja chỉ tồn tại trong tiểu thuyết hoặc được dùng để quảng bá cho thành phố Iga cách thủ đô Tôkyô 350 km về phía tây nam, một thành phố bao quanh là núi và từng là nơi ở của nhiều ninja.
Ông Kawakami bắt đầu dạy nghệ thuật ninja cách đây 10 năm và ông cho rằng lịch sử thực sự của ninja là một điều bí ẩn. Dù có một số hình vẽ về vũ khí của họ nhưng không ai biết rõ từng chi tiết, có lẽ do người vẽ đã cố ý làm mờ.
Một buổi trình diễn kỹ năng ninja tại bảo tàng Iga-ryu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, nhiều truyền thống của ninja chỉ được truyền miệng nên ngày nay người ta không thể nắm bắt hết được. Một số kỹ năng được lưu truyền cho đến thế kỷ 21 một cách đầy đủ thì lại khó thử nghiệm. Ông Kawakami giải thích: “Chúng tôi không thể thử giết người hay bỏ thuốc độc. Ngay cả khi chúng tôi có thể làm theo hướng dẫn pha chế thuốc độc nhưng chúng tôi không thể thử”.
Ông Kawakami lần đầu bước vào thế giới đầy bí ẩn của ninja khi mới 6 tuổi nhưng ông chỉ còn nhớ những ký ức mơ hồ về lần đầu gặp ông chủ Masazo Ishida - một người đàn ông mặc áo nhà sư.
Ông kể lại: “Tôi duy trì tập luyện mà không biết mình đang thực sự làm gì. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng tôi đang tập nghệ thuật ninja”.
Quá trình tập luyện gồm những kỹ năng về thể chất và tinh thần, nghiên cứu hóa học, thời tiết, tâm lý.
Để luyện tập sự tập trung, ông Kawakami nhìn vào bấc cây nến cho đến khi có cảm giác mình đang thực sự ở trong đó. Ông Kawakami cũng tập kỹ năng nghe tiếng kim khâu rơi trên nền nhà. Có lúc, ông lại trèo tường, nhảy từ trên cao xuống hay học cách trộn hóa chất để gây nổ và tạo khói.
Ông kể tiếp: “Tôi cũng được yêu cầu phải chịu nóng và lạnh cũng như đau đớn và đói khát. Quá trình tập luyện thật gian nan và đau đớn. Nó chẳng thú vị chút nào nhưng lúc đó tôi không nghĩ về lý do tại sao tôi phải làm thế. Tập luyện đã trở thành một phần cuộc đời tôi”.
Hồi đó, ông là một cậu bé kỳ lạ đang lớn dần lên nhưng không ai để ý đến việc tập luyện này vì người ta còn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh trong những năm khó khăn sau chiến tranh.
Khi ông 19 tuổi, ông được thừa kế tước hiệu của ông chủ cùng với những vũ khí đặc biệt và những cuốn sách bí mật.
Đối với ông Kawakami, nghệ thuật ninja là những kỹ năng sinh tồn toàn diện, dù những kỹ năng này ban đầu được phục vụ cho thời chiến như gián điệp, tấn công du kích.
Nghệ thuật ninja thực ra chính là chớp được lúc mọi người không để ý để thực hiện hành động của mình, chứ không phải là dùng vũ lực. Những ninja siêu đẳng thường chớp được thời cơ đối thủ mất cảnh giác, khai thác điểm yếu để giành lợi thế trước đối thủ đông hơn, mạnh hơn rất nhiều. Một ninja có thể ẩn trốn sau những vật nhỏ nhất. Ném ra một cái tăm, người ta sẽ nhìn theo hướng đó và ninja có cơ hội tẩu thoát.
Gần đây, ông Kawakami bắt đầu công việc nghiên cứu lịch sử ninja tại trường Đại học Mie. Trong bảo tàng ninja Iga-ryu, ngày ngày ông vẫn chỉ cho khách xem những đồ vật trong đó, từ chiếc thang, cái cửa giả, hộp đựng kiếm ẩn dưới sàn nhà...
Lúc nào, ông cũng nhắc nhở mình một thực tế rằng ông là ninja cuối cùng của Nhật Bản. Sẽ không có ai làm thủ lĩnh thứ 22 của thị tộc Ban vì ông đã quyết định không nhận thêm thực tập sinh. Ông tâm sự: “Đơn giản là vì ninja không hợp với thời hiện đại”.
Thùy Dương(Theo AFP)