Chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bầu lại tổng thống và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 10 tới bầu ban lãnh đạo mới với việc ông Tập Cận Bình được dự báo sẽ trở thành người kế nhiệm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, giới quan sát cho rằng chuyến thăm là khúc dạo đầu mang sắc thái làm quen giữa các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Hợp tác kinh tế - thương mại là nền tảng quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ. Ngay trước khi lên đường, trả lời phỏng vấn báo "Bưu điện Oasinhtơn", ông Tập Cận Bình đã nhận định rằng "hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ. Mối quan hệ này sẽ không thể phát triển một cách lâu dài và nhanh chóng nếu không đặt trên nền tảng lợi ích của hai bên". Vì thế, nội dung các cuộc hội đàm giữa các quan chức hai nước vẫn là những vấn đề không mới trong quan hệ song phương như thâm hụt cán cân thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, động thái của Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương,…và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như khủng hoảng nợ công tại châu Âu, tình hình rối ren tại Xyri. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tập Cận Bình cũng dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, thăm bang Iowa và kết thúc chuyến thăm tại thành phố Los Angeles ngày 16/2.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Internet. |
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra tròn một năm sau chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và trong cuộc hội đàm cấp cao khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Mỹ - Trung. Tuy nhiên, kể từ đó, quan hệ giữa hai nước liên tục gặp sóng gió do bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ chính sách tiền tệ, thương mại, nhân quyền tới những vấn đề quốc tế như Iran, Triều Tiên và Xyri. Trong thông điệp liên bang năm 2012, người đứng đầu Nhà Trắng đã nhiều lần đề cập các chính sách tiền tệ mà ông cho là bất bình đẳng của Trung Quốc. Trên trường quốc tế, sự khác biệt (thậm chí đến mức đối đầu) giữa Oasinh tơn và Bắc Kinh thể hiện rõ qua cuộc khủng hoảng tại Xyri, chính sách quay trở lại châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, mà dưới nhãn quan của chính giới Trung Quốc là một động thái có thể gây tổn hại tới vị thế của nước này trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, giới quan sát nhận định chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể đạt được sự đột phá. Hay nói cách khác, đây chỉ là "chuyến thăm làm quen giữa các quan chức chính quyền". Ông Anthony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joseph Biden, cho rằng "chuyến thăm thực sự là một sự đầu tư vào mối quan hệ tương lai Mỹ - Trung” vì ông Tập Cận Bình được coi là người sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Không phải vô tình mà trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải, phụ trách các vấn đề Mỹ, đã thừa nhận sự thiếu hụt niềm tin giữa hai nước so với nhu cầu phát triển thực tế. Do vậy, quan chức ngoại giao Bắc Kinh cho rằng chuyến thăm "sẽ là cơ hội rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy" giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, g iới truyền thông dự đoán trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tế nhị hiện nay, ông Tập Cận Bình sẽ không có sự nhượng bộ đáng kể đối với Mỹ .
Tóm lại, được đánh giá là chuyến đi “tìm hiểu” và “làm quen”, vậy nên người ta khó có thể chờ đợi một kết quả nào quan trọng từ cuộc gặp chỉ kéo dài 3-4 ngày, mà kết quả đó phải dựa trên nỗ lực từ hai phía trong 10 năm tới. Có thể nói chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho con đường 10 năm tới, giống với con đường mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đặt ra cách đây đúng 10 năm. Điểm khác duy nhất, Trung Quốc của 10 năm về trước là một nước đang phát triển, còn Trung Quốc giờ đây chỉ đứng sau Mỹ.
Hồ Phương