Chuyến thăm của Tổng thống Obama và triển vọng quan hệ Mỹ-Ấn

Trên các đường phố thủ đô New Delhi, quốc kỳ Mỹ và Ấn Độ phấp phới tung bay trong bối cảnh an ninh được siết chặt. Tất cả các trục đường chính vào trung tâm thành phố, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Ấn Độ, đều được chặn bằng những hàng rào chắn bằng sắt sơn màu vàng; lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông và lực lượng bán vũ trang được triển khai dày đặc, tạo nên không khí hết sức căng thẳng.

Sự kiện chuyến thăm New Delhi ba ngày (từ 25-27/1) của Tổng thống Obama để làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ được dư luận nước này rất quan tâm. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác đều dành phần lớn thời lượng để cập nhận mọi diễn biến liên quan đến chuyến thăm của ông Obama. Sở dĩ chuyến thăm được coi trọng như vậy vì đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Mỹ được mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, đồng thời ông Obama cũng là Tổng thống đầu tiên của Mỹ tới thăm đất nước sông Hằng hai lần trong thời kỳ đương chức.

Anh ninh được tăng cường tại New Delhi trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama


Chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra chỉ bốn tháng sau chuyến thăm thành công của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ. Washington và New Delhi kỳ vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ tạo lực đẩy mạnh đối với quan hệ Ấn-Mỹ sau một thời gian trì trễ do bất đồng về ngoại giao và thương mại.

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 11 năm 2010, Tổng thống Obama đã công bố một loạt thỏa thuận về kinh doanh trị giá hơn 10 tỷ USD, đồng thời cam kết sẽ làm cho quan hệ Ấn-Mỹ trở thành một đối tác được xác định trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, bất đồng liên quan đến vụ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York bị cáo buộc gian lận visa, đã gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong một thời gian. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi và cuộc gặp cấp cao Mỹ-Ấn tại Washington hồi tháng 9 năm 2014 đã xua tan bất đồng và thổi luồng sinh khí mới vào quan hệ song phương. Hai bên kỳ vọng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama sẽ tạo nên những bước đột phá lớn hơn trong quan hệ Ấn-Mỹ.

Chương trình nghị sự chính thức của ông Obama được giữ kín đến phút chót. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và đối tác kinh tế song phương là những trọng tâm của chuyến thăm. Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng thương mại khu vực có thể là một trong những chủ đề ưu tiên trong cuộc hội đàm giữa ông Obama với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Có tin nói rằng Mỹ và Ấn Độ đã đạt tiến bộ trong tiến trình thương lượng về một hiệp định đầu tư để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ - công cụ cần thiết để thu hút đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ. Tất cả những lĩnh vực kể trên, Mỹ và Ấn Độ đều có chung lợi ích và nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn nữa.

Quốc kỳ Ấn Độ và Mỹ tung bay tại New Delhi trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama


Ngay sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, triển khai một loạt biện pháp cải cách, công bố sáng kiến “make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư nước ngoài và huy động đầu tư trong nước, Chính phủ Ấn Độ giải quyết những trở ngại chính đối với phát triển, trong đó có tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở, vấn đề thuế, chính sách đất đai, luật lao động, quyền sở hữu trí tuệ và cơ chế dịch vụ tài chính.

Theo một cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, cả Washington và New Delhi đang phải đối mặt với nguy cơ chung từ chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama cần phải coi hợp tác chống khủng bố - vấn đề ảnh hưởng đến nhiều nước - là ưu tiên cao nhất. Hai nước đang bận tâm về tương lai của Afghanistan và tình hình đang xấu đi tại Pakistan, đồng thời đứng trước những thách thức trong việc phối hợp khắc phục biến đổi khí hậu.

Môi trường hợp tác kinh tế Ấn-Mỹ cũng vướng những bất đồng về đầu tư, gây phương hại đến lòng tin của giới đầu tư tại Ấn Độ. Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự hai nước ký từ năm 2005 đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển nào. Ấn Độ chưa hoàn tất tiến trình thương lượng về một hiệp định đầu tư song phương với Mỹ và chưa tham gia các cuộc thương lượng hiện nay tại tổ chức thương mại thế giới (WTO) về những lĩnh vực quan trọng như dịch vụ công nghệ thông tin và mua sắm của Chính phủ. Nhằm bảo đảm tương lai thương mại, Ấn Độ cần các cuộc thương lượng khắt khe và sẵn sàng trở thành một nền kinh tế cạnh tranh đẳng cấp thế giới. Chủ đề này đáng được thảo luận giữa ông Obama và ông Modi. Mở rộng chân trời thương mại là trọng tâm để xây dựng sức mạnh chiến lược của Ấn Độ và củng cố quan hệ Mỹ-Ấn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi đã có những “vốn chính trị” cơ bản tại Washington, chủ yếu nhờ thành tích phát triển kinh tế tại bang Gujarat, khi ông được coi là một Thủ hiến “thân thiện với doanh nghiệp”. Thắng lợi của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2014, đưa Thủ tướng Modi lên nắm quyền, đã mang hơi ấm vào quan hệ Mỹ-Ấn. Quan điểm chung tại Washington hiện nay là chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ chuyển “năng lượng tích cực thành hành động thực sự” để nâng quan hệ Ấn-Mỹ lên mức cao hơn, thực dụng hơn. Như một nhà ngoại giao Mỹ nhận xét bản thân việc Ấn Độ mời Tổng thống Obama làm khách chính trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa, cũng như quyết định của ông tới thăm Ấn Độ trong dịp này đã thể hiện rõ triển vọng tốt đẹp của quan hệ Mỹ-Ấn trong tương lai.



Bài, ảnh: Minh Lý-Đăng Chính (P/v TTXVN tại New Delhi)

Ấn Độ khước từ một số đề nghị an ninh cho ông Obama
Ấn Độ khước từ một số đề nghị an ninh cho ông Obama

Ấn Độ đã “lịch sự” khước từ một phương án của Mỹ về việc bảo vệ Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm của ông tại New Delhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN