Chuyện 'sáng nắng chiều mưa' giữa Donald Trump và Barack Obama

Đã kéo dài hơn một thập kỷ qua, thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với người tiền nhiệm Barack Obama là yêu-ghét thất thường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama có một mối quan hệ chỉ có thể gọi tên theo thời điểm.

Thái độ của ông Trump dành cho ông Obama là một sự pha trộn từ ngưỡng mộ cho đến thiếu tôn trọng và thô lỗ, những nét riêng thể hiện trong suốt sự nghiệp chính trị của nhà tỷ phú thích khiêu khích này.

Theo AFP, ông Trump là người đi đầu trong chiến dịch đặt nghi vấn việc vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên không được sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, song sau cuộc bầu cử kịch tính hồi tháng 11/2016 vừa qua, ông lại nhanh chóng thay đổi và chuyển sang ca ngợi người tiền nhiệm. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố vào tháng 1/2017 rằng ông Obama “thích tôi” và “tôi cũng thích ông ấy”.

Cuối tuần trước, trên trang Twitter cá nhân, tân Tổng thống Mỹ đã cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại của mình trong suốt chiến dịch tranh cử dù không đưa ra bằng chứng nào, và so sánh việc này với vụ bê bối Watergate, lý do chính khiến Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức trước thời hạn.

Thái độ thất thường của ông Trump đối với ông Obama bắt đầu từ năm 2006, thời điểm ông trùm bất động sản này bỗng nổi lên như một ngôi sao truyền hình thực tế.

Vào tháng 12 năm đó, ông Trump đã nói với tờ New York Times rằng việc ông Obama, khi đó đang là Thượng nghị sĩ, có liên quan tới thỏa thuận mờ ám với doanh nhân người Chicago Tony Rezko, một nhân vật gây nhiều tranh cãi, “không phải là điều tốt”. Tuy nhiên, chính ông Trump lại thừa nhận “ông ấy (Obama) lại có một số phẩm chất tuyệt vời”.

Những tháng sau đó, ông Trump đã đưa ra hàng loạt lời khen ngợi khi ông Obama khởi động cuộc chạy đua giành chức tổng thống, và vào tháng 3/2007, thậm chí còn gọi ông Obama là một “ngôi sao”. Ông Trump vẫn tiếp tục dành những lời khen cho Obama sau khi ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2009, ông lại bày tỏ sự “quan ngại” đến các khoản chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe, vấn đề lạm phát và chính sách thuế dưới thời Chính quyền Obama. Một năm sau, ông tiếp tục thể hiện sự hoài nghi đối với Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là Obamacare, một trong những chính sách tiêu biểu đánh dấu giai đoạn cầm quyền của nhà lãnh đạo da màu này.

Sự ngưỡng mộ của ông Trump dành cho ông Obama nhanh chóng biến thành sự khinh thường, và ông bắt đầu trở thành một trong những tiên phong khởi xướng thuyết âm mưu cho rằng ông Obama không được sinh ra tại Mỹ.  Ông Trump đặt câu hỏi trên chương trình “The View” của đài ABC ngày 23/3/2011: “Tại sao ông ấy không công bố giấy khai sinh của mình?”.

Sau đó vài tuần, Nhà Trắng công bố giấy khai sinh của ông Obama, và ngay tháng 4 năm đó, trong một buổi tiệc tối, ông Obama đã mỉa mai công kích ông Trump khi nói “không ai có thể hãnh diện hơn khép lại vấn đề giấy khai sinh hơn ngài Donald… bởi lẽ cuối cùng ông ấy cũng có thể tập trung trở lại cho những vấn đề khác, chẳng hạn như là liệu chúng ta có ngụy tạo việc đặt chân lên Mặt trăng hay không?”. Ông Trump khi đó cũng có mặt tại bữa tiệc và chỉ có thể nở một nụ cười gượng gạo trước câu nói của nhà lãnh đạo da màu.

Cây bút Adam Gopnik, người có mặt trong bữa tiệc tối hôm đó, đã chia sẻ trên tờ New Yorker cuối năm 2015 rằng ông Trump sau đó đã quyết định tìm cách “trả thù”. Ông viết: “Vào đêm đó, ông Trump cảm thấy bị sỉ nhục quá nặng nề nên có lẽ vào thời điểm đó, ông đã nảy sinh ý định trả thù, thậm chí bằng cách tranh cử tổng thống”.

Đến năm 2016, thời điểm ông Trump trở thành ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự hận thù của ông đã được đẩy lên cao độ ngay khi ông Obama đẩy nhanh cuộc công kích chống lại ứng cử viên “phi truyền thống” này.

Ông Obama nói vào ngày 2/8/2016 rằng ông Trump “không hề có kiến thức căn bản về các vấn đề quan trọng ở châu Âu, Trung Đông, và châu Á, đồng nghĩa với việc ông không chuẩn bị đủ để đảm nhiệm trọng trách này”. Ông Trump sau đó lại tiếp tục công kích trên mạng xã hội Twitter, nói rằng ông Obama “có lẽ sẽ đi vào lịch sử như một vị Tổng thống tệ hại nhất nước Mỹ!”.

Mãi cho đến tháng 9/2016, ông Trump cuối cùng cũng thừa nhận rằng ông Obama sinh ra ở Mỹ. Và chỉ 2 ngày sau chiến thắng gây sốc của mình, ông Trump đã có cuộc gặp ông Obama và mô tả vị tổng thống sắp mãn nhiệm là “một người đàn ông rất tốt”, và rằng cuộc gặp gỡ ông Obama ở Nhà Trắng là một vinh dự lớn với ông.

Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức với một bài diễn văn miêu tả những năm cầm quyền của ông Obama giống như một kỷ nguyên đen tối với “rất ít thứ đáng để tôn vinh”, giọng điệu của ông Trump đối với người tiền nhiệm đã lại thay đổi. Trong khi đó, ông Obama lại phá vỡ sự im lặng chỉ sau 10 ngày rời Phòng Bầu dục với việc ủng hộ làn sóng biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đối với những người tị nạn và công dân các nước có đa phần là người Hồi giáo.

Sau tất cả, sự thù địch giữa vị Tổng thống thứ 44 và 45 của nước Mỹ hiện là điều không ai còn có thể hoài nghi, nhất là sau cáo buộc của ông Trump đối với người tiền nhiệm hồi cuối tuần qua, điều mà người phát ngôn của ông Obama dẫn lời ông nhấn mạnh rằng “đây chỉ đơn giản là sự nhầm lẫn”.

TTXVN/Tin Tức
Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu họp báo dưới thời Tổng thống Donald Trump
Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu họp báo dưới thời Tổng thống Donald Trump

Bộ Ngoại giao Mỹ đã có cuộc họp báo đầu tiên ngày 7/3 sau 45 ngày giữ im lặng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN