Mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến hội nghị lần đầu tiên phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến nhưng rất nhiều vấn đề khu vực đã được các bộ trưởng nêu ra, đặc biệt là việc vận hành Hiệp hội và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đánh giá về hội nghị AMM 53, các chuyên gia ở Thái Lan và khu vực đều cho rằng hội nghị đã bao trùm được các chủ đề quan trọng, thể hiện rõ cơ chế hợp tác tích cực của khu vực trong đại dịch COVID-19 và thúc đẩy xây dựng một kế hoạch tổng thể cho quá trình phục hồi của ASEAN hậu đại dịch.
Theo Tiến sĩ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế của Đại học Webster Thailand, tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Á và nhiều khu vực vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi bùng phát căng thẳng như phong trào biểu tình ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Những điều này đều đặt ra thách thức cho các nước, trong đó có Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Nhưng khi nhìn vào những vấn đề mà Việt Nam đang thúc đẩy, Tiến sĩ Balaz Szanto cho rằng ASEAN đã đặt đúng ưu tiên hàng đầu vào việc đối phó với đại dịch COVID-19. ASEAN cần có cách tiếp cận chung để các bên đều chấp nhận được, trong đó lưu ý đến lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Ngoài cuộc chiến chống COVID19, ASEAN do Việt Nam dẫn dắt cũng chú trọng hợp tác phát triển kinh tế - thương mại. Đây là vấn đề trọng tâm, quyết định quá trình phục hồi kinh tế khu vực sau những tác động của đại dịch và tình trạng suy thoái chung của kinh tế toàn cầu.
Về khía cạnh an ninh, Tiến sĩ Balaz Szanto đánh giá Việt Nam đang giữ vai trò hết sức quan trọng với tư cách là một trong những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Thông qua việc đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy sự hình thành tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, điều mà nhóm này thiếu trong những năm vừa qua.
Cũng theo Tiến sĩ Balaz Szanto, trong tuyên bố chung của Hội nghị AMM 53, ASEAN đã tái khẳng định cam kết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mạnh mẽ hơn; tôn trọng và duy trì Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Với những diễn biến hiện nay, Tiến sĩ Balaz Szanto cho rằng ASEAN sẽ có khả năng thúc đẩy một COC có hiệu lực và đưa vào áp dụng trên thực tế. Theo quan sát của Tiến sĩ Balaz Szanto, hiện nay vẫn còn một số nước thành viên trong ASEAN ngập ngừng trong việc sử dụng câu từ trong các văn kiện của khối, nhất là về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc.
Nhìn chung, Tiến sĩ Balaz Szanto cho rằng những sáng kiến của Việt Nam trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2020 đều rất tích cực, nhất là việc đặt trọng tâm vào sự phục hồi kinh tế khu vực. Mặc dù nhiều hoạt động của ASEAN đã bị phủ bóng bởi đại dịch COVID-19, nhưng các nước thành viên đều vượt qua được những thử thách trước mắt và dần định hình được cơ chế phản ứng chung của khối trước một khó khăn chưa từng có như xây dựng được Quỹ khu vực đối phó với COVID-19, thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về y tế, và tiếp tục tăng cường kết nối chung trong khu vực.
“Chúng tôi đánh giá sự gắn kết nội khối là một bộ phận quan trọng trong chương trình nghị sự của Việt Nam trong năm nay. Mặc dù bị tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19 nhưng cuối cùng ASEAN vẫn thể hiện được sức mạnh đoàn kết”, Tiến sĩ Balaz Szanto đánh giá. Theo Tiến sĩ, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ là cơ hội để ASEAN chứng minh vai trò trung tâm của mình và thể hiện được những giá trị thực của mình trong các vấn đề hợp tác, phát triển của khu vực.