Chuyên gia: Chưa cần đến chiến tranh để giải quyết vấn đề Triều Tiên

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice mới đây cho rằng Mỹ cần thực hiện bước đi hợp lý nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, song vẫn có thể ngăn cản Triều Tiên mà không cần đến chiến tranh.

Cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Rice nói: "Chắc chắn chúng ta phải thực hiện mọi bước đi phù hợp để giảm thiểu và loại bỏ mối đe dọa này. Và chắc chắn có thể có trường hợp trong đó chiến tranh là cần thiết, bao gồm cả một cuộc tấn công đang hoặc sắp xảy ra nhằm vào đất nước của chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta. Nhưng không cần thiết phải phòng ngừa chiến tranh, bất chấp một số điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã kết luận".

Giải thích cho luận điểm này, bà Rice viện dẫn 4 nguyên do sau:

Thứ nhất, Bình Nhưỡng hiện có thể phóng tới lãnh thổ Mỹ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thách thức đặt ra ở đây là phải đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ thử làm điều đó. Theo hầu hết các đánh giá, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là người không có lý trí. Do đó, trong khi vẫn lặng lẽ tinh chỉnh các phương án quân sự của mình, Mỹ có thể vận dụng cách răn đe truyền thống, đó là làm rõ rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ dẫn tới hủy diệt Triều Tiên.
 
Thứ hai, để tránh bị "sa lầy" trong một cuộc chiến tranh hao tiền tốn của, Mỹ cần phải ngừng ngay lập tức những lời lẽ thiếu thận trọng.

Thứ ba, Mỹ phải tăng cường hệ thống chống tên lửa và các các hệ thống phòng thủ khác của Mỹ, cũng như của các đồng minh của Mỹ, vốn dĩ cần có sự đảm bảo của Mỹ hơn bao giờ hết.

Thứ tư, Mỹ phải tiếp tục tăng cường hành động buộc Triều Tiên trả giá về việc nước này duy trì các chương trình hạt nhân như gia tăng các biện pháp trừng phạt, tăng sự cô lập chính trị đối với Bình Nhưỡng.

Cuối cùng, Mỹ phải bắt đầu đối thoại với Trung Quốc về việc tăng cường nỗ lực và những diễn biến bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khôi phục con đường ngoại giao để thử nghiệm các thỏa thuận đàm phán tiềm năng có thể hạn chế hoặc loại bỏ một cách khả thi kho vũ khí của Triều Tiên.

Trong khi đó, ngày 13/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng những khiêu khích giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể leo thang trở thành một cuộc xung đột quân sự. Trả lời phỏng vấn tờ "Bild am Sonntag", tờ tuần báo hàng đầu ra ngày Chủ Nhật tại Đức, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nêu rõ: "Tôi thực sự quan ngại rằng những cuộc khẩu chiến leo thang và tác động lẫn nhau sẽ kết thúc trong một cuộc xung đột quân sự".

Ông Gabriel cũng cho biết thêm rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền hòa bình toàn cầu, vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên và khu vực. Ông Gabriel nhấn mạnh: "Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể nhằm đảm bảo rằng không có thêm những khiêu khích nữa".

TTXVN/Tin Tức
 Điều gì xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công hạt nhân Triều Tiên?
Điều gì xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công hạt nhân Triều Tiên?

Tính đến hiện tại, kịch bản chiến tranh giữa Mỹ và Triều Triên là khó có thể xảy ra dù Bình Nhưỡng nói đã lên kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa đạn đạo, còn người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố vũ khí Mỹ đã "khóa mục tiêu". Nhưng cuối cùng, nếu Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân thì quy trình biến mệnh lệnh thành hành động sẽ vận hành như thế nào và nó có đầy đủ các bước kiểm tra để tránh sai lầm đắt giá hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN