Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực Đông Địa Trung Hải Ahmed Al Mandhari nêu rõ: "Sau nhiều ngày nỗ lực để tìm ra giải pháp, tôi rất hài lòng khi nói rằng hiện chúng tôi có thể cung cấp thêm phần nào vật tư y tế ở Afghanistan và đảm bảo rằng các dịch vụ y tế do WHO hỗ trợ (tại Afghanistan) có thể được tiếp tục".
Máy bay này do Chính phủ Pakistan cung cấp đã bay từ Dubai, nơi tập trung hàng vật tư y tế của WHO để tới sân bay Mazar-i-Sharif của Afghanistan. Theo WHO, máy bay chở 12,5 tấn vật tư y tế bao gồm các bộ dụng cụ sơ cứu y tế khẩn cấp đủ để đáp ứng các nhu cầu y tế cơ bản của hơn 200.000 người, cũng như cung cấp cho 3.500 ca phẩu thuật và điều trị cho 6.500 người bị thương. Số vật tư y tế này sẽ được phân phối tới 40 cơ sở y tế tại 29 tỉnh trên toàn Afghanistan.
Theo kế hoạch, sẽ có 2 chuyến bay nữa vận chuyển vật tư y tế của WHO tới Afghanistan nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu vật tư y tế trầm trọng. Trước đó, ngày 24/8, WHO thông báo tổ chức này chỉ còn đủ vật tư y tế dùng trong 1 tuần tại Afghanistan sau khi các chuyến vận chuyển thiết bị y tế từ bên ngoài bị chặn do các biện pháp kiểm soát an ninh siết chặt ở sân bay Kabul.
Cùng ngày, Điện Kremlin đã lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về thành lập “một vùng an toàn” ở thủ đô Kabul của Afghanistan nhằm bảo vệ cho các hoạt động nhân đạo. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết đây là một đề xuất phải được thảo luận, đồng thời nhấn mạnh việc thảo luận về tất cả các khía cạnh của một vùng như vậy là "rất quan trọng".
Trước đó, ngày 29/8, Tổng thống Macron cho biết, Pháp và Anh ngày 30/8 sẽ hối thúc Liên hợp quốc thảo luận về việc thiết lập vùng an toàn này để "cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân đạo". Theo nhà lãnh đạo Pháp, một khu vực an toàn như vậy sẽ cho phép cộng đồng quốc tế "duy trì sức ép đối với Taliban," lực lượng đang nắm quyền ở Afghanistan.