Chương trình tiêm vaccine của Ấn Độ gặp trở ngại sau bước khởi đầu thuận lợi

Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng ưu tiên từ ngày 16/1 với thuận lợi. Tuy nhiên, đến tháng 5, khi chương trình tiêm chủng mở rộng với mọi công dân trên 18 tuổi, quốc gia này lại vấp phải nhiều trở ngại bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Ấn Độ tiêm vaccine tại Siliguri ngày 2/8. Ảnh: AFP

Theo đài BBC (Anh), nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ đã đạt được nhiều thành công lúc ban đầu, song nay đang đối mặt với nhiều vấn đề gây không ít khó khăn, như tin giả.

Công nghệ hỗ trợ tối ưu

South Delhi là nơi có ít dân số nhất trong 11 quận tại thủ đô New Delhi và có tỷ lệ tiêm vaccine hiệu quả với 43% dân số 1,1 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên.

Cô Mahima Gulati (27 tuổi) chia sẻ về quá trình đăng ký tiêm trực tuyến: “Chỉ mất vài phút là tôi có để đăng ký cho bản thân, anh trai và một vài người bạn. Chúng tôi đã được tiêm tại một điểm ở trường học chỉ cách nhà có 5 phút. Không có đám đông và mọi thứ đều có tổ chức, hệ thống”.

Bà Ankita Chakravarty, một lãnh đạo quận South Delhi chia sẻ lợi thế lớn nhất của khu vực này là cơ sở hạ tầng y tế tạo nhiều điều kiện trong chiến dịch tiêm vaccine. Bà Ankia nhấn mạnh: “Đây không phải là thứ có thể xây dựng trong một ngày. Đó là bài học mà dịch COVID-19 đã dậy chúng ta”.
Bà bổ sung: “Chúng tôi may mắn có các bệnh viện tư công lớn có thể thiết lập nhiều địa điểm tiêm một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó là cư dân chủ động muốn tiêm vaccine”.

South Delhi là khu vực thành thị nơi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với công nghệ, trên thực tế, tại Ấn Độ vẫn có hàng trăm triệu người chưa có điện thoại thông minh hoặc được tiếp cận internet.

Kế hoạch là điều then chốt

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng đợi tiêm vaccine tại Ấn Độ. Ảnh: BBC

Khi Shivraj Meena nhận vai trò quản lý Mahe thuộc vùng lãnh thổ Puducherry trong tháng 2 năm nay, ông gặp phải bài toán khó. Cư dân của quận Mahe chỉ có 31.000 người nhưng cần được tiêm vaccine nhanh chóng bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập tới. Nhưng ông Meena nhận thấy người dân vẫn còn nhiều băn khoăn về mức độ an toàn của vaccine và miễn cưỡng đến các điểm tiêm chủng do sợ đám đông.

Mahe chỉ có diện tích 9 km vuông với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế, do vậy ông Meena đã nghĩ ra một kế hoạch. Ông kể lại: “Tôi triệu tập các lãnh đạo, người cao tuổi trong cộng đồng để gặp gỡ và giải thích về hiệu quả của vaccine. Tôi cũng đề cập đến việc nhiều nhân viên y tế tuyến đầu chỉ có phản ứng phụ không đáng kể sau mũi tiêm đầu tiên”.

Sau đó ông Meena lập 30 đội gồm nhân viên y tế, y tá và giáo viên đến từng căn nhà tư vấn và đăng ký tiêm cho người dân. Chiến thuật này phát huy tác dụng với trên 53% dân số Mahe được tiêm tối thiểu một mũi.

Tin giả gây lung lay niềm tin

Quận Tiruvannamalai tại Tamil Nadu là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất tiểu bang này. Hầu hết các bang tại Tamil Nadu chỉ ghi nhận 4-6% dân số được tiêm vaccine.

Một nông dân chia sẻ: “Có một điểm tiêm vaccine trong làng nhưng người dân đều sợ hãi bởi diễn viên Vivek đã chết sau khi tiêm vaccine. Tôi sẽ tiêm vaccine nhưng tôi không di chuyển nhiều và chỉ ở nhà. Do vậy tôi nghĩ rằng mình sẽ tiêm sau đó”.

Điều này cho thấy người dân đã chịu ảnh hưởng bởi thông tin thất thiệt do trên thực tế diễn viên Vivek đã tử vong tại bệnh viện trong tháng 4 do đau tim.

Bác sĩ Ajitha, một quan chức về y tế tại Tiruvannamalai, chia sẻ: “Nhiều người dân tại vùng nông thôn chần chừ tiêm vaccine vẫn là thách thức lớn”.

Tính đến ngày 2/8, Ấn Độ đã tiêm 477 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân nước này. Nhìn chung, dù khởi đầu khá nhanh chóng và ấn tượng, song cho tới nay chương trình tiêm vaccine của Ấn Độ đang vấp phải khó khăn và kết quả đạt được chưa như mong đợi.

Hà Linh/Báo Tin tức
200 triệu ca COVID-19 - ‘Sóng thần’ Delta càn quét thế giới
200 triệu ca COVID-19 - ‘Sóng thần’ Delta càn quét thế giới

Mốc 200 triệu ca COVID-19 lần này đánh dấu sự càn quét của biến thể Delta lây lan nguy hiểm, làm điêu đứng nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và khiến cả những nước đạt tiến bộ trong tiêm vaccine đại trà cũng “trở tay không kịp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN