Mốc 200 triệu ca COVID-19 lần này đánh dấu sự càn quét của biến thể Delta lây lan nguy hiểm, làm điêu đứng nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và khiến cả những nước đạt tiến bộ trong tiêm vaccine đại trà cũng “trở tay không kịp”.

Nếu như thế giới mất hơn một năm để cán mốc 100 triệu ca mắc COVID-19 đầu tiên, thì chỉ mất hơn 6 tháng để vượt qua mốc 100 triệu ca bệnh lần thứ hai. Theo trang thống kê worldometer, đến 6h sáng ngày 4/8, tổng ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 200.187.759 trường hợp, trong đó có 4.257.752 ca tử vong.

Số ca nhiễm và số ca tử vong tăng nhanh trên toàn cầu.

Thủ phạm chính đứng đằng sau tốc độ lây lan như vậy là sự xuất hiện của các biến thể COVID-19, trong đó nguy hiểm nhất là biến thể Delta, hiện đang càn quét tạo ra các đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trên toàn cầu, từ những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, đến những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân được tiêm chủng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020 và đã nhanh chóng vượt qua các chủng khác kể từ đó để trở thành biến thể dễ lây truyền nhất, độc tố cao nhất của COVID-19. 

Sau khi tàn phá Ấn Độ trong làn sóng dịch thứ hai chết chóc vào tháng 4 và tháng 5, biến thể Delta, với đặc điểm dễ lây lan, khó truy vết, hiện đã lan rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện chiếm đa số các ca lây nhiễm ở nhiều điểm nóng khắp thế giới. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Ấn Độ cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 40-60% so với biến thể Alpha lần đầu tiên phát hiện ở Anh.

Trong khi đó, biến thể Alpha vốn đã lây lan nhanh hơn 50% so với virus SARS-CoV-2 gốc xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019. Nếu như ở giai đoạn đầu, một người nhiễm virus gốc trung bình lây cho 2 người thì nay lây trung bình cho 6 người với biến thể Delta. Hơn nữa, nhiều hạt virus hơn đã được tìm thấy trong đường thở của những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta. Một nghiên cứu của Trung Quốc báo cáo rằng tải lượng virus trong các ca nhiễm Delta cao hơn gần 1.000 lần so với các ca nhiễm biến thể khác. 

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.

Vào tháng 5, WHO tuyên bố Delta là một "biến thể đáng lo ngại trên toàn cầu”. Tổ chức này cũng thừa nhận rằng với sự hoành hành của biến thể Delta, làn sóng lây nhiễm và tử vong mới do COVID-19 đã bắt đầu.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết Delta chiếm 83% trong tổng số mẫu virus được giải trình tự gien ở Mỹ. Tại Anh, con số này là 99%. Biến thể Delta cũng chiếm hơn một nửa các mẫu gien của virus được phân tích ở Pháp, Đức, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Theo sáng kiến GISAID - mạng cơ sở dữ liệu trực tuyến về phân tích gien các mẫu virus được các nhà khoa học chia sẻ, biến thể này cũng chiếm hơn 70% các mẫu được gửi tới GISAID từ châu Á và hơn 60% mẫu virus được gửi tới từ châu Phi.

Biến thể Delta đã khiến cuộc chiến chống đại dịch ở nhiều quốc gia trở nên thách thức hơn rất nhiều. Một số quốc gia ở Đông Nam Á, như Indonesia, Malaysia đang trở thành phiên bản “Ấn Độ thu nhỏ” trong làn sóng dịch lây lan không kiểm soát do biến thể này. Indonesia trở thành tâm dịch mới ở châu Á, với số ca nhiễm mới liên tục ở mức trên 40.000 ca/ngày, có thời điểm là quốc gia có ca nhiễm mới cao nhất thế giới. Đại dịch cho đến nay đã cướp đi gần 100.000 sinh mạng tại đất nước vạn đảo.

Điều đáng nói là biến thể Delta không chỉ đang làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh ở những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn thấp tại châu Á và châu Phi, mà còn tấn công dữ dội và đe dọa “đảo ngược” thành quả chống dịch ở những nước giàu hầu như đã kiểm soát được các đợt dịch trước nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Chưa đầy 10 ngày sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội cuối cùng hồi giữa tháng 6, Israel lại đứng trước nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại do biến thể Delta. Thời điểm đó, Israael là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tiêm chủng với khoảng 80% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Từ chỗ nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào, hiện số ca lây nhiễm hằng ngày ở Israel là hơn 1.000 người, buộc nhà chức trách phải thắt chặt trở lại các biện pháp kiểm soát. 

Thái Lan liên tục phải gia hạn phong tỏa.

Tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày đã tăng gấp đôi sau 3 tuần, trong đó 80% là nhiễm biến thể Delta. Tình trạng này xảy ra dù Mỹ đã tiêm ít nhất một liều cho hơn 55% dân số tính tới trung tuần tháng 7. Hôm 20/7, Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để kiểm soát được đại dịch.

Các nước châu Âu cũng đang thận trọng hơn khi biến thể Delta được dự báo có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại “lục địa già” vào cuối tháng 8, dù hơn một nửa số người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Anh là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, hiện gần 70% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ liều, nhưng cũng là nơi ghi nhận biến thể Delta chiếm phần lớn số ca mắc mới. Chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch từ ngày 19/7, và cũng trong khoảng thời gian đó, số ca mắc mới theo ngày ở nước này vẫn duy trì ở mức cao, trung bình hơn 40.000 ca/ngày. 

Kể từ cuối năm 2020, các loại vaccine phòng COVID-19 đã lần lượt được nhiều quốc gia trên thế giới và WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Các cường quốc kinh tế như Mỹ, các nước châu Âu đã tận dụng lợi thế về sản xuất vaccine và khả năng tiếp cận nguồn cung để thâu tóm một lượng vaccine lớn phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng trong nước, gây ra những phản ứng về công bằng vaccine với những quốc gia và khu vực nghèo hơn.

Tuy nhiên thực trạng biến thể Delta đang tấn công các nước và khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao là minh chứng cho nhận định được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát “không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn”. 

Tiêm vaccine COVID-19 để ngăn lây lan và hạn chế nguy hiểm.

Ông Ghebreyesus cho rằng sự lây lan nhanh chóng của biển thể Delta trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc tạo miễn dịch trong một cộng đồng nhỏ sẽ không đạt hiệu quả lâu bền, nhất là khi virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Ngoài biến thể Delta được dự báo trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới trong vài tháng tới, WHO cảnh báo các biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay có thể sớm xuất hiện, bởi virus càng lây nhiễm nhiều thì khả năng biến đổi càng cao. Những biến thể mới có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc chống dịch phải "bắt đầu lại từ đầu".

Trong bối cảnh đó, WHO một lần nữa nhắc lại thông điệp đã nhiều lần đưa kể từ khi COVID-19 được công bố là đại dịch toàn cầu: cuộc chiến chống kẻ thù chung rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế, mà lần này là trong vấn đề phân phối công bằng vaccine. Đây là một vấn đề không mới, song những lời kêu gọi thì chưa bao giờ cũ bởi các biến thể của virus SARS-CoV-2 không bỏ qua bất kỳ một quốc gia nào.

Các nhà khoa học cho biết virus liên tục đột biến và tạo ra những biến thể nguy hiểm có khả năng tránh né hệ miễn dịch và giảm hiệu quả của vaccine. Mối nguy hiểm lúc này không chỉ là biến thể Delta, mà còn là những biến thể tiềm tàng có thể nguy hiểm hơn, được “tôi luyện” qua các “lò dịch” trên khắp thế giới.

Mối nguy hiểm lúc này không chỉ là biến thể Delta.

Tuy nhiên cho đến nay, các chuyên gia y tế vẫn khẳng định thiệu quả của tất cả các loại vaccine được WHO cấp phép với biến thể Delta và các biến thể COVID khác. Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London ở Anh công bố ngày 3/8 phát hiện tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 giúp giảm 50-60% nguy cơ mắc biến thể Delta. Nghiên cứu này được thực hiện tại thời điểm biến thể Delta đã hoàn toàn thay thế biến thể Alpha trước đây ở Anh.

Các quan chức CDC Trung Quốc hôm 2/8 cũng cho biết các loại vaccine COVID-19 hiện có của nước này đang tiếp tục chứng tỏ tác dụng phòng ngừa và bảo vệ tốt đối với biến thể Delta. Nhà nghiên cứu Thiệu Nhất Minh từ CDC Trung Quốc nói: "Mặc dù không có loại vaccine nào có thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi các bệnh nhiễm virus, nhưng các biến thể COVID-19 khác nhau vẫn có thể được kiểm soát bằng các loại vaccine hiện có". Ông Thiệu lưu ý thêm rằng, những nghiên cứu của trung tâm dựa trên các dữ liệu sẵn có cho thấy vaccine COVID-19 của Trung Quốc có thể giảm tỉ lệ nhập viện, các ca bệnh nặng và tử vong một cách hiệu quả.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine ngày 21/7  cho thấy tiêm 2 liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer hoặc 2 liều AstraZeneca đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng do biến thể Delta. Các nhà nghiên cứu nói rằng phát hiện của họ càng cho thấy việc ưu tiên tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 2, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương, là cách hiệu quả để ngăn các đợt bùng phát mới.

Điều đáng nói là các loại vaccine hiện nay tuy không thể bảo vệ hoàn toàn người tiêm khỏi lây nhiễm virus nhưng có khả năng bảo vệ cao từ 90-100% với các ca nhập viện nặng và tử vong. Đó cũng là mục đích quan trọng nhất mà việc tiêm chủng hướng đến, đó là tránh quá tải hệ thống và nguồn lực y tế, cũng như bảo vệ sức khoẻ và mạng sống của người dân. 

Bảng so sánh các loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép tại Việt Nam (Nguồn: Vinmec)

Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, gồm AstraZeneca (Anh); vaccine Gam-COVID-Vac (hay Sputnik V của Nga); Vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc); Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức); Vaccine Spikevax của Moderna (Mỹ); vaccine Janssen của Johnson&Johnson (Mỹ). Đại diện WHO tại Việt Nam và lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Biến thể Delta đang thay đổi tính toán của các chính phủ trên thế giới, làm dấy lên những lo ngại về triển vọng sớm có lối thoát khỏi đại dịch. 

Ở những nước phát triển, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm đặt ra yêu cầu tăng nhanh số người được tiêm vaccine để ngăn chặn những đợt bùng phát mới. Những hy vọng về dịch COVID-19 nhanh chóng trở thành một dịch bệnh như cúm mùa ngày càng giảm dần. Mỹ và nhiều nước châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine để đối phó với biến thể Delta. Nhiều nước tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang và yêu cầu một số doanh nghiệp đóng cửa trở lại. Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly theo hướng dẫn và làm việc ở nhà ngày càng phổ biến.

Nhiều nước ở châu Á và châu Phi đang ghi nhận số ca mắc mới cao vì biến thể Delta.

Viễn cảnh với các nước đang phát triển thậm chí còn tồi tệ hơn. Nhiều nước ở châu Á và châu Phi đang ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục vì biến thể Delta, kể cả những quốc gia trước đó từng kiểm soát dịch tương đối tốt. "Có một thực tế khủng khiếp mà tôi cho là mọi người chưa thể hiểu hết. COVID-19 là một dịch bệnh mới tồi tệ và có thể sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đây là gánh nặng gia tăng mà tất cả chúng ta đều phải đối diện”, Martin Hibberd, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London bày tỏ quan điểm.

Ở thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, trước khi biến thể Delta xuất hiện, các nhà khoa học ước tính để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bùng phát, khoảng 2/3 dân số thế giới cần được miễn dịch thông qua tiêm vaccine hoặc kết hợp giữa tiêm vaccine với số từng mắc COVID-19. Nếu đạt được mục tiêu đó, COVID-19 sẽ trở thành một dịch bệnh giống cúm mùa - bệnh hiếm khi khiến hệ thống y tế quá tải.

Nhưng sự lây lan của biến thể Delta trên khắp thế giới đã làm thay đổi mọi thứ. Nhiều ước đoán khác nhau, nhưng các nhà khoa học tin rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng gốc xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc khoảng 2 - 3 lần. Hãy làm một phép so sánh: Nếu thiếu các biện pháp y tế công cộng nhằm làm giảm số ca mắc, cứ 10 người nhiễm chủng virus gốc trung bình sẽ lây cho 25 người khác. Với biến thể Delta, cứ 10 người mắc thì sẽ lây cho từ 60 - 70 người khác, một sự gia tăng đáng kể.

Điều đó đã đặt ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng xa tầm tay. Chính phủ và các nhà chức trách trước đó kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng nhờ độ che phủ vaccine từ 60 - 70% đã phải tính toán lại. Bởi theo Mark Woolhouse, giáo sư về dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, với biến thể Delta, tỉ lệ này phải lên ngưỡng 80 - 90% dân số được tiêm ngừa. Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn cho rằng phải đạt 95% thì mới có được miễn dịch cộng đồng, do phải tính đến yếu tố vaccine không đạt hiệu quả 100% trong giảm thiểu lây nhiễm.

Sự lây lan nhanh của biến thể Delta trên khắp thế giới đã làm thay đổi mọi thứ.

Ở những nước phát triển, biến thể Delta đang buộc các nhà chức trách y tế phải suy tính lại về chiến lược chống dịch, ngay cả khi tỷ lệ cao dân số được tiêm vaccine ở mức cao. Sau khi số ca mắc tăng gấp 6 lần, Hà Lan đã phải đóng cửa các hộp đêm vào tháng này, chỉ ít tuần vừa mở cửa trở lại hồi cuối tháng 6. Việc đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì ở Pháp, Đức và Italy.

Tại Mỹ, biến thể Delta đã chấm dứt xu hướng giảm số ca mắc hàng ngày. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua đã vượt quá 49.000, gấp đôi con số trước đó chỉ 10 ngày. Hạt Los Angeles, khu vực đông dân nhất của Mỹ, đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà sau khi chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc mới. Phá bỏ tâm lý ngại tiêm vaccine là nhiệm vụ đầy thách thức, nhất là những vùng ở cực nam nước Mỹ. 

Những biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, giãn cách xã hội, vệ sinh khử khuẩn… đều đã được tất cả các quốc gia trên thế giới áp dụng ở những mức độ đòi hỏi khác nhau, tuỳ theo từng điều kiện và giai đoạn.

Tại Việt Nam, thông điệp mà chúng ta nhất quán từ năm 2020 đến nay đó là toàn dân thực hiện 5K gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế". 5K có ý nghĩa vô cùng thiết thực, như một “lá chắn” đầu tiên bảo vệ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng và cần kiên trì thực hiện 5K trong bối cảnh chưa có nhiều vaccine để sử dụng tại thời điểm này. 

Chia sẻ với phóng viên báo chí trong cuộc trò chuyện trực tuyến ngày 22/7 về đối phó với dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, ông Dziuban cho biết hơn một năm qua, đến trước tháng 4-2021, Việt Nam vẫn rất thành công trong kiểm soát 3 làn sóng COVID-19. Trong tình hình mới, với số ca nhiễm cao hiện nay, mục tiêu giảm số ca nhiễm lập tức về 0 là không còn khả thi, nhưng làm chậm tốc độ lây nhiễm để không nhiều người mắc bệnh cùng lúc, đảm bảo khả năng tiếp nhận cho hệ thống y tế, giảm tổn thất của dịch bệnh với con người là cần thiết. Theo ông Dziuban, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, về ngắn hạn, cần hạn chế sự lây lan của virus bằng 5K vì nếu không làm vậy, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và gây nhiều tác hại; về dài hạn, cần tiêm vaccine cho đại đa số người dân. 

Bên cạnh “tấm áo giáp” vaccine thì thế giới cũng trông cậy vào các loại thuốc điều trị COVID-19 hiện tại cũng như hy vọng vào những thuốc đang được phát triển như một “chốt chặn” cuối cùng với đại dịch.

Cho đến lúc này, thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả cho bệnh COVID-19, tuy nhiên, một số liệu pháp trong điều trị COVID-19 được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp bao gồm:

 + Thuốc kháng viêm: FDA Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng viêm dạng corticosteroid dexamethasone để điều trị COVID-19 trong một số trường hợp. Dexamethasone có khả năng giảm tổn thương phổi thông qua hoạt tính kháng viêm.

+ Liệu pháp miễn dịch: FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho liệu pháp truyền huyết tương (máu) chứa kháng thể kháng virus SARS-CoV-2. Loại huyết tương này được lấy từ người mắc COVID-19 đang hồi phục để điều trị COVID-19. Liệu pháp này có thể được sử dụng đối với các trường hợp nhập viện mới bị bệnh hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Một liệu pháp miễn dịch khác được khuyến cáo là sử dụng kháng thể đơn dòng. Các kháng thể đơn dòng là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể giúp hệ thống miễn dịch nhận diện và tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Một số loại thuốc kháng thể đơn dòng sẵn có bao gồm sotrovimab và sự kết hợp của hai kháng thể casirivimab và imdevimab. Những loại thuốc này cho phép được sử dụng để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.

Virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục khiến việc tìm ra một loại thuốc đặc trị hiệu quả là thách thức lớn. Do đó, giống như cuộc chạy đua tìm vaccine ngừa COVID-19 trong suốt hơn 1 năm qua thì nay, nhiều hãng dược lớn trên thế giới lại bước vào cuộc đua tìm kiếm, thử nghiệm và phát triển các loại thuốc để sớm đẩy lùi đại dịch.

Sự biến đổi phức tạp tinh vi của các biến thể COVID-19 khiến cho cuộc chiến chống đại dịch được dự báo sẽ còn kéo dài. Đó sẽ là một cuộc chiến đấu đòi hỏi nhiều trí tuệ, nguồn lực và cả những hy sinh, tổn thất không tránh khỏi. 

Virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục khiến việc tìm ra một loại thuốc đặc trị hiệu quả là thách thức lớn.

Trong lá thư khen gửi các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 là thước đo tinh thần "lửa thử vàng, gian nan thử sức" và "tương thân, tương ái", lòng yêu nước của cả dân tộc… Thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta xác định đây sẽ là cuộc chiến còn trường kỳ, nhiều gian nan… Chúng ta có niềm tin sự kiên trì, bền bỉ với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, cùng sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng đại dịch COVID-19!”

Bài: Thu Hằng (tổng hợp)
Trình bày: Nguyễn Hà

04/08/2021 07:30