Chuỗi cung ứng ở Đức có thể sụp đổ do thiếu khí đốt của Nga

Toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất có thể sụp đổ nếu khí đốt tự nhiên mà Nga cung cấp cho Đức giảm hơn nữa.

Chú thích ảnh
Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com ngày 3/8, tập đoàn hóa chất Đức Covestro đưa ra nhận định trên trong một cảnh báo mới. Theo cảnh báo đó, lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream giảm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Trong thông báo thu nhập quý II công bố ngày 2/8, Covestro nói: “Do mối liên hệ chặt chẽ giữa ngành hóa chất và các lĩnh vực liên quan, tình hình xấu thêm nữa có khả năng khiến toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất sụp đổ”.

Nếu buộc phải sử dụng hạn chế khí đốt trong năm nay, các cơ sở sản xuất của Covestro sẽ chỉ hoạt động một phần hoặc phải đóng cửa toàn bộ, tùy vào mức độ khí đốt bị cắt giảm. Covestro chiếm khoảng 1/4 năng lực sản xuất trên toàn cầu.

Như nhiều khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn khác trong ngành hóa chất, không chỉ ở Đức mà còn ở châu Âu, Covestro đã đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm nhu cầu khí đốt, trong đó có cảnh biện pháp chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu. Công ty cho biết đang tiếp tục cải tiến các công nghệ sản xuất hiện có và đưa ra những công nghệ mới để giảm tiêu thụ khí đốt và năng lượng hơn nữa.

Sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Covestro dự báo sẽ tiếp tục xảy ra những tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, mức giá năng lượng vẫn sẽ rất cao, lạm phát cao và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu yếu hơn.

Giám đốc tài chính Covestro Thomas Toepfer cho biết: “Trong nửa cuối năm nay, rủi ro kinh tế vĩ mô một lần nữa gia tăng đáng kể, đặc biệt là liên quan chi phí năng lượng rất cao và bất ổn trong nguồn cung cấp khí đốt tại các nhà máy ở Đức của chúng tôi”.

Hóa chất và các ngành công nghiệp khác ở Đức đã buộc phải giảm hoặc cân nhắc giảm sản lượng do giá năng lượng ở mức rất cao và nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm. Ngành hóa chất là ngành công nghiệp lớn thứ ba ở Đức, sau ngành sản xuất ô tô và máy móc, là ngành tiêu thụ khí đốt lớn nhất cả nước, chiếm 15% tổng lượng khí đốt tiêu thụ.

Ông Wolfgang Grosse Entrup, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hóa chất Verband der Chemischen Industrie (VCI), nói rằng ngành hóa chất Đức có không nhiều lựa chọn để tiết kiệm khí đốt. Nhiều công ty Đức có nguy cơ phải ngừng sản xuất nếu tình hình tệ hơn.

Kể từ xung đột ở Ukraine, Nga đã giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream, xuống chỉ còn 20% công suất. Trước đó vài ngày, tập đoàn Gazprom của Nga đã khởi động lại đường ống ở mức 40% công suất sau khi kết thúc bảo trì định kỳ 10 ngày.

Tình hình của các công ty công nghiệp của Đức đã trở nên tồi tệ hơn kể từ giữa tháng 6, khi Nga lần đầu tiên cắt giảm 60% nguồn cung thông qua Nord Stream.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), cứ 6 công ty công nghiệp Đức thì có một công ty cảm thấy buộc phải giảm sản xuất do giá năng lượng cao. Cuộc khảo sát cũng cho thấy chỉ một nửa số công ty công nghiệp Đức đã đáp ứng các yêu cầu về khí đốt hàng năm vào năm 2022. Hơn 1/3 các doanh nghiệp công nghiệp vẫn phải mua hơn 30% nhu cầu khí đốt hàng năm.

Đức đang chuẩn bị bước vào một mùa đông khó khăn, cả với các ngành công nghiệp và các hộ gia đình, khi lượng cung cấp khí đốt của Nga ngày càng trở nên khó lường.

Đức sẽ nằm trong số các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp Gazprom hạn chế hoặc cắt nguồn cung cấp cho châu Âu sau khi khởi động lại Nord Stream vào cuối tháng 7.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Cựu Thủ tướng Đức đề xuất giải pháp cho khủng hoảng năng lượng châu Âu
Cựu Thủ tướng Đức đề xuất giải pháp cho khủng hoảng năng lượng châu Âu

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã đưa ra “giải pháp đơn giản nhất” để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của châu Âu. Đó là khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN