Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo CNBC News, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,81%, lên 5.363,36 điểm. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 619,05 điểm, tương đương mức 1,56% khi đóng cửa ở 40.212,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,06%, chốt phiên ở 16.724,46 điểm.
Tuần này là một trong những giai đoạn biến động mạnh nhất trong lịch sử của Phố Wall. Các chỉ số lớn tiếp tục lao dốc vào 10/4 khi các nhà giao dịch chuyển sang chế độ "tránh rủi ro", do bất ổn về chính sách thương mại còn đè nặng lên tâm lý. Các cổ phiếu đã mất đi một phần lớn mức tăng kỷ lục đạt được vào ngày 9/4 sau tuyên bố của ông Trump tạm hoãn trong vòng 90 ngày đối với việc áp dụng mức thuế quan đối ứng cao hơn với các đối tác thương mại.
Chỉ số S&P 500 vào ngày 10/4 đã giảm 3,46%, trong khi chỉ số Dow Jones sụt 1.014,79 điểm, tương đương mức 2,5% và chỉ số Nasdaq giảm mạnh hơn khi chốt phiên giảm 4,31%. Trước đó một ngày, chỉ số S&P 500 đã tăng vọt 9,52% – mức tăng trong ngày lớn thứ ba kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, còn Dow Jones đã nhảy vọt tới hơn 2.900 điểm.
Chỉ số biến động CBOE, thường được gọi là VIX - thước đo mức độ lo lắng của thị trường - đã vọt lên trên mức 50 vào đầu tuần trước khi giảm xuống khoảng 37 vào chiều 11/4.
Chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định áp mức thuế cơ bản 10% với hầu hết các đối tác thương mại, trừ Trung Quốc. Một quan chức Nhà Trắng xác nhận với CNBC vào ngày 10/4 rằng hàng hóa từ Bắc Kinh sẽ bị áp mức thuế lên đến 145%.
Để đáp trả, Trung Quốc hôm 11/4 tuyên bố sẽ tăng mức thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125% từ mức 84% trước đó. "Ngay cả khi Mỹ tiếp tục áp thuế cao hơn nữa, điều đó cũng sẽ không còn ý nghĩa kinh tế và sẽ trở thành trò cười trong lịch sử kinh tế thế giới", Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đại diện thương mại của khối sẽ bay đến Washington vào ngày 13/4 để tìm cách ký kết các thỏa thuận.
Theo AFP, tuy tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư gần như được dỡ bỏ trong ngày 11/4 nhưng những bất ổn về nền kinh tế Mỹ cũng như trên toàn cầu về thuế quan vẫn còn đó. Mặc dù Tổng thống Trump đã tạm thời hoãn tăng thuế quan, nhưng theo giới phân tích, các biện pháp của ông đã khiến mức thuế quan trung bình của Mỹ lên cao nhất trong hơn một thế kỷ. Ngoài thuế quan 10% áp dụng cho hàng hóa từ hầu hết đối tác thương mại của Mỹ, ông Trump còn áp mức thuế cao đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu kể từ khi trở lại Nhà Trắng.
Bà Erica York, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu chính sách tài khóa Tax Foundation, cho biết mức thuế mới áp dụng với lượng hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 2.400 tỷ USD, tương đương gần 75%. Bà nói thêm, ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính sách áp thuế chỉ ảnh hưởng tới lượng hàng hóa trị giá khoảng 380 tỷ USD (15%). Đây là sự leo thang rõ rệt.
Theo các nhà nghiên cứu tại tổ chức Budget Lab thuộc Đại học Yale, người tiêu dùng Mỹ hiện phải đối mặt với mức thuế quan trung bình 27%, cao nhất kể từ năm 1903. Nhóm nghiên cứu cho biết ngay cả khi tính đến sự thay đổi trong tiêu dùng, họ dự đoán mức thuế quan trung bình vẫn là 18,5%, cao nhất kể từ năm 1933.
Ông Thibault Denamiel, nghiên cứu viên tại tổ chức nghiên cứu chiến lược Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết mức thuế trung bình của Mỹ vào tháng 12/2024 là 2,4% và hiện đã vượt ngưỡng 20%. Giới phân tích cho rằng các quyết sách về thuế ông Trump là đợt tăng thuế mạnh nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930 - đạo luật từng khiến cuộc Đại suy thoái thêm trầm trọng.
Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ thu về gần 2 tỷ USD mỗi ngày từ thuế quan. Ông coi đó là công cụ tăng thu ngân sách, hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng thuế cao sẽ khiến nhập khẩu giảm mạnh. Bà York từ tổ chức Tax Foundation nói thêm rằng nếu điều này xảy ra, lượng thuế quan thu được sẽ giảm. Bà ước tính các biện pháp thuế quan và trả đũa hiện tại có thể khiến GDP của Mỹ giảm 1%.
Ông Feroli dự đoán, với các bước đi mới của ông Trump, tác động tiêu cực từ chính sách thương mại có thể nhẹ hơn trước, khiến khả năng xảy ra suy thoái khó dự báo hơn. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng khả năng kinh tế Mỹ suy giảm vào cuối năm nay là khá cao.