Đánh giá này được đưa ra 3 ngày trước khi LHQ công bố bản đánh giá đầu tiên về tiến độ thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu của các nước trên thế giới.
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu, diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, ông Al Jaber cho rằng thế giới đang không đạt được kết quả vào đúng thời điểm cần thiết như mong đợi.
Theo các nhà nghiên cứu, châu Phi đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, song lục địa này chỉ nhận được khoảng 12% ngân sách cần thiết để đối phó với các thiên tai. Do đó, ông Al Jaber kêu gọi cần có sự thay đổi trong cơ cấu hỗ trợ tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên mới.
Tại hội nghị, ông Al Jaber thông báo Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cam kết đầu tư 4,5 tỷ USD nhằm đến năm 2030, có thể tạo ra 15 GW năng lượng sạch tại châu Phi. Chủ tịch COP28 đồng thời là Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE, ông Al Jaber nêu rõ khoản tiền trên sẽ là chất xúc tác giúp huy động thêm ít nhất 12,5 tỷ USD từ các nguồn tư nhân, công và các tổ chức đa phương.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ để giúp châu Phi trở thành "siêu cường về năng lượng tái tạo". Người đứng đầu tổ chức đa phương nhấn định năng lượng tái tạo có thể là điều kỳ diệu đối với châu Phi, song các bên cần phải hiện thực hóa điều này. Ông Guterres cũng cho rằng các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Với sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ 54 quốc gia trong châu lục, Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu từ ngày 4 - 6/9 nhằm xác định tầm nhìn chung về phát triển xanh của châu Phi. Giới chức các nước châu Phi bày tỏ hoan nghênh trước các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, song cho rằng nhu cầu về tài chính của các nước châu Phi đòi hỏi phải có sự chuyển đổi về cơ cấu tài trợ khí hậu toàn cầu.
Tại COP28 dự kiến diễn ra Dubai, UAE vào cuối tháng 11 tới, lãnh đạo các quốc gia châu Phi có kế hoạch thúc đẩy việc mở rộng quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), qua đó có thể tiếp cận nguồn ngân sách cho khí hậu trị giá 500 tỷ USD.