Chính sách nông nghiệp xanh của EU gặp khó trước làn sóng biểu tình

Giới chính trị gia EU đã có một số bước nhượng bộ trong việc triển khai chính sách Thoả thuận Xanh được đề ra để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 nhằm xoa dịu cơn giận dữ của nông dân.

Chú thích ảnh
Một nông dân lái máy kéo trên đường phố Paris trong cuộc biểu tình ngày 23/2. Ảnh: AFP

Trong những tuần gần đây, nông dân lái máy kéo đã tràn ra các tuyến đường lớn ở các thành phố trọng điểm châu Âu, từ Warsaw đến Madrid, từ Athens đến Brussels. Nhóm nông dân này yêu cầu giới chức các nước phải hủy bỏ một số biện pháp hướng tới nông nghiệp xanh, cho rằng các quy tắc này và nạn quan liêu đang gây tổn hại đến sinh kế của họ.

Theo hãng tin AFP, các cuộc biểu tình đã gây tác động đáng kể. Làn sóng biểu tình của nông dân đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân trên khắp liên minh 27 quốc gia, khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng chục triệu euro do chậm trễ trong vấn đề vận chuyển. Tình trạng gián đoạn còn khiến một số nước EU phải nhượng bộ, cam kết huỷ bỏ chính sách đã gây dựng trong nhiều năm trong việc cấm và hạn chế lượng thuốc trừ sâu, phân bón trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó. Sau khi hàng trăm máy kéo xuất hiện làm gián đoạn hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vào đầu tháng này, nông dân dự định quay trở lại vào ngày 26/2 khi các bộ trưởng nông nghiệp tập trung thảo luận về việc đơn giản hóa các quy định nghiêm ngặt về nông nghiệp và giảm bớt kiểm tra tại các trang trại. Đây cũng là điều mà các nhà môi trường lo ngại có thể khiến các tiêu chuẩn an toàn về nông sản ngày càng giảm. Họ lo ngại gói chính sách Thỏa thuận xanh hàng đầu của EU đang bị đe dọa. Gói này nhằm mục đích làm cho lục địa này trung hòa lượng carbon vào năm 2050.

Các quan chức cũng chia sẻ những áp lực trước tiếng ồn từ những chiếc máy kéo và lượng phân bón bị đổ bên ngoài các tòa nhà hành chính EU. “Những thứ đó gây thêm áp lực cho các bộ trưởng bên trong. Tôi tin rằng các bộ trưởng sẽ quyết tâm hơn một chút, đưa ra kết quả cụ thể”, một quan chức cấp cao EU giấu tên chia sẻ.

Trước thềm cuộc biểu tình của nông dân và cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp trong ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh rằng bà vẫn hoàn toàn cam kết đưa ra các giải pháp để giảm bớt sức ép hiện nay đối với nền nông nghiệp của châu lục.

Sự thay đổi của bà Von der Leyen diễn ra trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Đảng Nhân dân châu Âu của bà hy vọng với mục tiêu chuyển hướng ưu tiên sang nông dân và ngành nông nghiệp, đây sẽ là chìa khoá giúp bà duy trì vị trí lãnh đạo EC.

Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã gác lại một đề xuất quan trọng về chống thuốc trừ sâu, nhấn mạnh cần có một cách tiếp cận khác. Bà cũng cho phép nông dân tiếp tục sử dụng một số diện tích đất mà vốn dĩ những mảnh đất này cần được bỏ trống để thúc đẩy đa dạng sinh học. Dự kiến các đề xuất thảo luận cho cuộc họp ngày 26/2 về việc đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cũng đi theo hướng tương tự.

Ở cấp độ quốc gia, các chính trị gia từ Pháp đến Tây Ban Nha và Bỉ cũng đang đi theo con đường nhượng bộ để xoa dịu cơn giận dữ của nông dân.

Nhà bảo vệ môi trường Maes làm việc cho nhóm bảo trợ Liên đoàn Môi trường Tốt hơn của Bỉ nói: “Các nhà hoạch định chính sách thực sự không nên đánh mất tầm nhìn dài hạn, tầm nhìn về tương lai. Họ không nên giải quyết với các vấn đề trong ngày bằng cách gạt bỏ các quy định quan trọng đã được thảo luận, xem xét nghiêm túc trước đó. Các quy định này cũng đã được phê duyệt một cách dân chủ”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Thị trường chứng khoán thế giới thăng hoa; nông dân nhiều quốc gia bất bình biểu tình
Nóng trong tuần: Thị trường chứng khoán thế giới thăng hoa; nông dân nhiều quốc gia bất bình biểu tình

Tuần qua, thị trường chứng khoán nhiều quốc gia đạt kỷ lục, Thủ tướng Israel đưa ra đề xuất cho Gaza hậu chiến, nông dân nhiều nước bất bình và biểu tình... là những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN