Cụ thể, từ tháng 4/2017 tới tháng 3/2018, ngành nông nghiệp và lương thực Cuba đã chịu tổn thất lên tới 413, 8 triệu USD do chính sách trên của Mỹ và số tiền này, theo Bộ trưởng Rodríguez, đáng lẽ có thể được đầu tư vào việc tái sản xuất hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.
Sau khi khẳng định chính sách bao vây cấm vận của Washington vi phạm các quyền cơ bản của con người, ông Rodríguez nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực của Cuba với nhiều chính sách trên diện rộng, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm cơ bản theo giá trợ cấp cho toàn bộ người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, ngành nông nghiệp của nước này cũng đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra trong điều kiện của một đảo quốc có diện tích khiêm tốn. Để đối phó với thực trạng này, Chính phủ Cuba đã triển khai một kế hoạch quy mô lớn cấp quốc gia.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Cuba cho biết hiện các chính sách của La Habana đã có nhiều đổi mới nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp như các chương trình cải thiện điều kiện xã hội, văn hóa tại nông thôn, tạo cơ hội cho thanh niên tại nông thôn, các chương trình khuyến nông và các mô hình sản xuất lương thực tại các khu đô thị hoặc ven đô.