Theo hãng tin AFP ngày 10/9, các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã cáo buộc Pháp đang "tập hợp lực lượng, trang thiết bị quân sự" ở một số quốc gia Tây Phi láng giềng nhằm “can thiệp quân sự”.
Mối quan hệ với Pháp đã xuống cấp sau khi Paris đứng về phía Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum sau cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự mới ở Niger, Đại tá Amadou Abdramane cho biết: “Pháp tiếp tục triển khai lực lượng của mình tại một số quốc gia ECOWAS (Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi) như một phần của quá trình chuẩn bị cho một cuộc can thiệp vào Niger mà nước này đang lên kế hoạch với sự cộng tác của ECOWAS”.
Niger cũng đang rơi vào thế bế tắc với khối Tây Phi ECOWAS, vốn đe dọa can thiệp quân sự nếu áp lực ngoại giao nhằm đưa Tổng thống bị lật đổ Bazoum trở lại vị trí không thành công.
Trong tuyên bố của mình, ông Abdramane lưu ý rằng Pháp đã triển khai máy bay quân sự, trực thăng và 40 xe bọc thép tới Bờ Biển Ngà và Benin.
Ông Abdramane nói thêm: “Một lượng lớn trang thiết bị quân sự đã được bốc dỡ từ máy bay chở hàng quân sự ở Senegal, Bờ Biển Ngà và Benin".
Trước đó ngày 3/8, những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã từ bỏ một số thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia có khoảng 1.500 binh sĩ đồn trú tại nước này như một phần của cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại các chiến binh thánh chiến.
Những người ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger phản đối sự hiện diện quân sự của Pháp tại nước này.
Paris, vốn từ chối công nhận chính quyền quân sự mới ở Niger, không coi những người tiến hành lật đổ tổng thống là một bên tham gia các thỏa thuận hợp tác đó.
Trong khi đó, chính quyền quân sự mới vẫn cho rằng lực lượng của Pháp hiện đang đóng quân “bất hợp pháp” ở Niger.
Hôm 5/9, một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp nói với AFP rằng quân đội Pháp đang đàm phán với chính quyền quân sự về việc rút hiện diện của họ ở Niger, xác nhận những bình luận được đưa ra 1 ngày trước đó bởi Thủ tướng được bổ nhiệm bởi chính phủ mới Niger Ali Mahaman Lamine Zeine.
Mỗi ngày trong hơn một tuần, hàng nghìn người đã tụ tập ở thủ đô Niamey của Niger xung quanh một căn cứ quân sự có lính Pháp ở để yêu cầu họ rời đi.
Lầu Năm Góc cho biết trong tuần này rằng Mỹ, quốc gia có khoảng 1.100 binh sĩ ở Niger, đã bắt đầu di dời lực lượng của mình “để phòng ngừa” từ Niamey đến thành phố miền trung Agadez.