Kênh CNN (Mỹ) cho biết trong tháng 7, hàng chục chính quyền cấp huyện và 8 tỉnh đã ban hành thông báo người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19 từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 bởi sau đó, nếu không tiêm phòng họ sẽ đối mặt với nhiều hạn chế trong cuộc sống hàng ngày.
Huyện Dingnan tỉnh Giang Tây với dân số 220.000 người thông báo: “Tất cả mọi người chịu trách nhiệm trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh”. Thông báo này cũng có nội dung nhấn mạnh những công dân không tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị hạn chế trong tiếp cận trường học, xe công cộng và cơ sở y tế từ 26/7.
Chính quyền địa phương Trung Quốc đang đẩy mạng tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt được mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 12 năm nay như Bắc Kinh đã đề ra.
Nhà dịch tễ học Shao Yiming tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc chia sẻ với truyền thông địa phương rằng tỷ lệ bảo vệ của vaccine COVID-19 do nước này sản xuất với người được tiêm là dưới 100%. Do vậy, Trung Quốc cần tiêm vaccine đủ 2 mũi cho 80-85% dân số, tương đương với 1 tỷ người trong tổng số 1,4 tỷ dân để đạt được mục tiêu đề ra vào tháng 12.
Một số ổ dịch bùng phát trong thời gian gần đây tại tỉnh Liêu Ninh, Quảng Đông và An Huy đã khiến chính quyền nhiều địa phương sốt sắng trong việc đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19.
Tỷ lệ tiêm vaccine tại Trung Quốc trong những tháng gần đây cũng theo đà tăng với trung bình mỗi ngày có 10 triệu liều được phân phối. Tính đến ngày 14/7, chính phủ Trung Quốc đã phân phối 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chi tiết số người được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19.
Các điểm tiêm vaccine tại Trung Quốc còn đưa ra nhiều “quà tặng” để khuyến khích người đến tiêm như kem, thẻ mua sắm… Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc vẫn chưa được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên, họ chủ yếu sống tại vùng nông thôn. Điều này khiến chính quyền địa phương cần đưa ra biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Ông Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) đánh giá: “Những chiến thuật họ sử dụng để khuyến khích người tiêm vaccine có thể không đạt hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo. Việc biến tiêm vaccine trở thành bắt buộc sẽ là giải pháp duy nhất giải quyết vấn đề”.
Trong 2 tuần đầu tháng 7, có tới 50 huyện trên khắp 12 tỉnh tại Trung Quốc ban hành cảnh báo tăng cường các biện pháp khuyến khích người dân tiêm vaccine. Tính đến nay, các biện pháp mới đã được thông báo tại Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Sơn Tây, Giang Tô, Giang Tây, Quảng Tây, An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Chiết Giang và Nội Mông.
Ở một số địa phương, các biện pháp thậm chí khá khắt khe. Ví dụ là hai thành phố Guiping và Beiliu tại Quảng Tây dự kiến học sinh chỉ được đến trường nếu phụ huynh đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Sau khi dư luận phản đối, thông báo tại Guiping và Beiliu đã bị gỡ.
Truyền thông địa phương còn đưa tin rằng huyện Tanghe tại tỉnh Hà Nam còn đề nghị chính quyền địa phương không trả lương cho viên chức và người lao động nếu họ từ chối tiêm vaccine COVID-19.
Không chỉ Trung Quốc, Tổng tống Pháp Emmanuel Macron cũng ra lệnh tất cả người lao động trong ngành y tế cần phải tiêm vaccine và những người chưa tiêm đủ 2 liều sẽ không được tiếp cận bệnh viện, nhà hàng và một số hình thức giao thông từ đầu tháng 8.
Tương tự như vậy, chính phủ Australia cũng yêu cầu tất cả những người làm công việc điều dưỡng trong viện dưỡng lão đến giữa tháng 9 này cần tiêm tối thiểu một liều vaccine COVID-19.
Tính đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa chính thức bắt buộc tiêm vaccine COVID-19. Giáo sư Jin Dongyan tại Trường Khoa học Y sinh học thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết chính sách mà các chính quyền huyện, tỉnh Trung Quốc đưa ra là nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng của chính quyền trung ương.
Trung Quốc đã thông qua 5 loại vaccine COVID-19 sản xuất nội địa. Trong đó có 2 loại do công ty nhà nước Sinopharm sản xuất và 3 loại còn lại từ Sinovac, CanSino cùng Anhui Zhifei. Phần lớn người dân Trung Quốc tiêm vaccine Sinopharm hoặc Sinovac.