Hãng tin Reuters ngày 14/12 dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết giới chức Pháp đã bắt đầu lên danh sách các ứng cử viên tiềm năng, trong đó có ông Didier Leroy, lãnh đạo cấp cao của hãng Toyota. Quan chức Bộ Tài chính Pháp và ông Leroy đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Chính phủ Pháp nắm 15% cổ phần trong Renault và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này, do đó thường có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định các vị trí nhân sự cấp cao.
Ngày 13/12, Ban lãnh đạo Renault thông báo quyết định vẫn giữ ông Carlos Ghosn làm CEO của hãng, sau khi cuộc điều tra nội bộ liên quan đến gói lương của ông này cho thấy hoàn toàn phù hợp với luật của Pháp. Tuy nhiên, một số nguồn tin giấu tên cho biết trong phiên họp kéo dài 5 giờ đồng hồ này, nhiều giám đốc của hãng đã thể hiện mất kiên nhẫn đối với tình trạng hiện tại.
Người phát ngôn của Renault không bình luận về thông tin trên.
Ông Carlos Ghosn (mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban) được xem là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc giúp hãng Nissan của Nhật Bản vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Ghosn gia nhập hãng Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển từ kinh doanh thua lỗ sang có lãi nhờ chính sách cắt giảm mạnh tay. Tuy nhiên, người đàn ông quyền lực nhất nhì ngành ô tô Nhật Bản đã bị bắt giam tại Tokyo ngày 19/11 với những cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, quản lý tài chính yếu kém và không khai báo chính xác thu nhập.
Ba ngày sau khi ông Ghosn bị bắt giữ, Nissan đã ra quyết định sa thải nhân vật này. Ngày 26/11, hãng Mitsubishi cũng thông báo quyết định cách chức Chủ tịch của ông Carlos Ghosn.
Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD). Cho đến nay, ông Ghosn bác bỏ những cáo buộc khai man thu nhập cá nhân.