Nhân vật huyền thoại
Sinh ra ở Brazil, mang quốc tịch Pháp, Carlos Ghosn học ở Liban và Paris, sau đó dành 18 năm làm việc tại công ty sản xuất lốp xe Michelin. Từ đó, ông thăng tiến và trở thành người điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của công ty.
Từ đây, Carlos Ghosn chuyển tới hãng Renault, làm phó chủ tịch điều hành từ năm 1996 tới 1999. Sau khi Renault mua 43% cổ phần của hãng ô tô Nhật Bản Nissan năm 1999, Ghosn được giao nhiệm vụ vực dậy hãng Nissan. Tại đây, ông đã giảm chi phí mua sắm của công ty, đóng cửa các nhà máy, sa thải 21.000 vị trí việc làm, đầu tư khoản tiền tiết kiệm từ đó vào 22 mẫu xe tải và ô tô trong vòng 3 năm. Thời điểm đó, Nissan đang lỗ 1.000 USD mỗi chiếc xe bán ở Mỹ.
Ghosn được sùng bái như thần ở Nhật Bản sau khi cứu Nissan khỏi cảnh phá sản. Ông là chủ đề của nhiều cuốn truyện tranh. Ông có lần từng nói: “Một ông chủ phải có 100% tự do hành động và chịu trách nhiệm 100% với những gì mình làm. Tôi chưa bao giờ dao động khỏi nguyên tắc đó và tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự can thiệp”.
Sau khi giúp Renault và Nissan đứng vững về mặt tài chính, gần đây nhất, ông đã tập trung vực dậy hãng Mitsubishi. Hãng này đã được Nissan cứu năm 2016 sau khi mua lại 34% cổ phần.
Carlos Ghosn nhanh chóng hướng tới thúc đẩy phát triển ô tô điện. Ông là một trong số những ông chủ hãng ô tô truyền thống quan tâm tới xe điện, cho ra mắt mẫu xe Nissan Leaf năm 2009.
Khi liên minh Renault-Nissan phát triển, có thể cạnh tranh với Toyota và Volkswagen về quy mô, uy tính của Carlos Ghosn cũng tăng mạnh. Ông thường xuyên xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos và các hội nghị quốc tế khác, thảo luận về tương lai ngành vận tải và nhu cầu cần phải suy tính lại về ngành vốn đang trì trệ này.
Carlos Ghosn dường như có tài với ô tô từ bé. Người ta kể là khi mới lên 5, Ghosn đã có thể phân biệt các loại ô tô bằng cách nghe tiếng còi xe. Khi 6 tuổi, Ghosn tới sống ở thủ đô Beirut của Liban cùng mẹ và học tại đây. Về sau, ông về Paris và tốt nghiệp tại hai trường danh giá nhất Pháp, trong đó có Đại học Kỹ thuật Bách khoa.
Nói giỏi tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Anh, Ghosn đã tích lũy kiến thức làm việc của người Nhật Bản khi ở Nissan. Dù vậy, ông không để cho công việc xâm phạm đời tư. Ông từng nói với tạp chí Fortune: “Tôi không mang việc về nhà. Tôi chơi với bốn đứa con và dành thời gian bên gia đình vào cuối tuần. Khi tôi đi làm vào thứ hai, tôi có ý tưởng tốt nhờ được nạp lại năng lượng”.
Carlos Ghosn đã trở thành người đầu tiên trên thế giới điều hành cùng lúc hai công ty có tên trên bảng xếp hạng Fortune Global 500 khi đảm nhận vai trò tổng giám đốc điều hành tại Renault và Nissan năm 2005.
Ghosn là kiến trúc sư của liên minh chiến lược Renault-Nissan-Mitsubishi. Quan hệ đối tác này giúp các công ty cạnh tranh tốt hơn với đối thủ mạnh trong ngành. Ba hãng xe phối hợp rất tốt. Có rất nhiều giám đốc chịu sự quản lý của ba Tổng giám đốc điều hành riêng biệt, nhưng Ghosn đã kết nối họ với nhau. Ghosn chính là liên minh, là thiên tài sáng tạo đằng sau liên minh.
Bê bối tài chính
Tuy nhiên, danh tiếng của Carlos Ghosn bỗng chốc tiêu tan khi bị bắt giam với cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính. Ông bị công tố viên Nhật Bản cáo buộc làm giả mạo báo cáo chứng khoán, vi phạm Luật Giao dịch và Công cụ Tài chính. Hiện công tố viên chưa tiết lộ ông Ghosn thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc.
Ngay sau khi có thông tin ông Ghosn bị bắt, Nissan đã thông báo thay thế ông Ghosn với tư cách là chủ tịch công ty. Mitsubishi cho biết sẽ bắt đầu điều tra nội bộ và đề nghị ban giám đốc bãi nhiệm ngay lập tức chức danh chủ tịch của Ghosn. Hãng Renault đã chỉ định một người làm quyền Tổng giám đốc điều hành.
Việc bắt giữ ông Ghosn đã gây cú sốc lớn trong ngành ô tô khắp các châu lục. Giá cổ phiếu cả các hãng ô tô liên quan tới ông Ghosn giảm hàng loạt.
Nissan ngày 19/11 cho biết đã điều tra ông Ghosn và một thành viên ban quản trị khác là Greg Kelly hàng tháng nay sau khi nhận được tố cáo. Công ty phát hiện ra ông Ghosn và Greg Kelly đã báo cáo láo thu nhập của ông Ghosn, làm giảm nhu nhập của ông này khoảng 44 triệu USD trong giai đoạn 5 năm kết thúc vào tháng 3/2015. Mức phạt tối đa mà Nhật Bản dành cho người phạm tội nộp báo cáo tài chính sai là 10 năm tù và khoản phạt 89.000 USD.
Nissan cho biết đã phát hiện vô số hành vi sai trái nghiêm trọng khác, trong đó có việc sử dụng tài sản công ty cho mục đích riêng và sử dụng sai ngân sách công ty. Ngoài ra, công tố viên Nhật Bản còn nghi ông Ghosn có thể đã bỏ túi riêng tiền lẽ ra dành cho các giám đốc Nissan khác.
Vụ bê bối tài chính của Carlos Ghosn khiến dư luận lo ngại liên minh ba hãng xe lung lay. Dù vậy, hiện tại thì cả ba hãng ô tô đều cho biết vẫn cam kết ở lại liên minh.
Bình luận về cú “ngã ngựa” của huyền thoại Carlos Ghosn, ông Jeff Kingsston, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Nhật Bản nói: “Ghosn là nạn nhân của thành công và tham vọng của chính mình. Ông được đề cao như danh nhân vì đã phá vỡ văn hóa công ty truyền thống tại Nhật Bản, không tha cho ai và giờ ông ta đang trả giá”.
Mức lương của Ghosn là quá lớn ngay cả so với tiêu chuẩn của Nhật Bản và đã bị cấp chính phủ ở Pháp chỉ trích. Nissan trả cho Ghosn 10 triệu USD năm 2016. Lương của ông này ở Renault là 8,5 triệu USD và ở Mitsubishi là 2 triệu USD.
Một số chuyên gia cho rằng sau vụ của ông Ghosn, có thể các công ty Nhật Bản sẽ ngần ngại trong chấp nhận người nước ngoài làm lãnh đạo và bài học rút ra là không để quyền lực quá tập trung vào tay một người.
Hiện chưa rõ Ghosn ở đâu và phiên tòa xét xử ông này sẽ diễn ra vào thời gian nào.