Ngày 27/12, các nhà lãnh đạo khu vực hỗ trợ tiến trình hòa giải ở Nam Sudan cho biết chính phủ Nam Sudan đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức sau hai tuần giao tranh với lực lượng chống đối.Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (giữa), Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn (trái) và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta tại văn phòng Tổng thống ở Juba ngày 26/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Ngoại trưởng Ethiopia Tedros Adhanom, cuộc gặp các nhà lãnh đạo khu vực Đông Phi diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya đã hoan nghênh cam kết của chính phủ Nam Sudan chấm dứt ngay các hành động quân sự, đồng thời kêu gọi cựu Phó Tổng thống Riek Machar đưa ra các cam kết tương tự. Các nhà lãnh đạo khu vực đưa ra thời hạn bốn ngày để Tổng thống Nam Sudan Salvar Kiir và ông Riek Machar đối thoại trực tiếp nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh, đồng thời nhấn mạnh sẽ có các hành động tiếp theo nếu cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông Machar từ chối cho biết có cam kết ngừng bắn với chính phủ hay không, song cho rằng cần thiết lập một cơ chế giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Ông cũng yêu cầu Tổng thống Salva Kiir trả tự do cho tất cả những người ủng hộ ông đang bị bắt giữ để có thể bắt đầu các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nam Sudan cho biết chính phủ nước này đã phóng thích hai chính trị gia trong số 11 người bị cáo buộc âm mưu đảo chính chống lại Tổng thống Salva Kiir, song sẽ tiếp tục giữ ba người trong nhóm để điều ra về các cáo buộc tham nhũng, gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Kossti Manibe, cựu Chánh văn phòng Nội các Deng Alor và cựu Tổng thư ký Đảng cầm quyền Mặt trận Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) Pagan Amum.
Bất chấp những động thái tích cực trên, tình trạng đối đầu giữa các bên ở Nam Sudan vẫn căng thẳng do các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra tại nhiều khu vực khai thác dầu mỏ ở miền Bắc nước này. Tại thủ phủ Malakal của bang Thượng Nile, xung đột tiếp diễn trong bối cảnh cả lực lượng chính phủ và quân nổi dậy đều tuyên bố đánh bại đối phương và kiểm soát khu vực này.
Trước tình hình căng thẳng ở Nam Sudan, Liên hợp quốc (LHQ) đã triển khai thêm lực lượng giữ gìn hòa bình tới quốc gia này. Ngày 27/12, nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình tăng cường đầu tiên của LHQ, gồm 72 cảnh sát dã chiến từ CHDC Congo đã tới Nam Sudan. Việc điều động trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua việc cử thêm gần 6.000 quân tới giúp phái bộ của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Hiện phái bộ này có nhiệm vụ bảo vệ 63.000 người dân đang lánh nạn tại các cơ sở của LHQ ở Nam Sudan.
Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ ngày 15/12 vừa qua sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu tiến hành đảo chính. Xung đột bùng phát và nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kirr và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Riek Machar. Chỉ trong vòng hơn một tuần, các cuộc giao tranh đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và ít nhất 90.000 người bị mất nhà cửa.
TTXVN/Tin tức