Các biện pháp trên nằm trong dự thảo kế hoạch hành động do Bộ Nội vụ Đức soạn thảo mà hãng tin Reuters có được ngày 6/4. Giới chức Đức cho rằng các đề xuất này có khả năng giữ cho tỷ lệ người bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân COVID-19 ở mức dưới 1 người, đảm bảo cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường sau khi lệnh phong tỏa kết thúc vào ngày 19/4 tới.
Để điều này trở nên khả thi, các cơ chế sẽ phải được triển khai để truy vết hơn 80% số trường hợp mà những người mắc COVID-19 từng tiếp xúc trong vòng 24 giờ kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Khi đó, các trường học sẽ có thể mở cửa trở lại và các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt sẽ được nới lỏng.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Đức thông báo tất cả những người nhập cảnh vào Đức sẽ phải thực hiện cách ly trong 14 ngày.
Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4 tới, dự kiến ảnh hưởng tới phần lớn công dân Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) và những người đang cư trú tại Đức. Những người làm việc trong lĩnh vực y tế các nước EU cũng như những người nhập cảnh Đức vì mục đích công tác trong thời gian ngắn sẽ được miễn trừ các biện pháp này.
Quy định này được Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đưa ra ngày 6/4 tại cuộc họp nội các đang diễn ra, thảo luận các biện pháp chống dịch COVID-19 sau khi kết thúc lệnh phong tỏa.
Cũng tại cuộc họp này, các bộ trưởng Đức nhất trí rằng chính phủ sẽ bảo đảm 100% các khoản tín dụng ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng so với mức từ 80-90% đưa ra trước đó. Cụ thể, Chính phủ Đức cam kết bảo đảm khoản vay 500.000 euro (540.000 USD) dành cho các công ty có quy mô 50 nhân viên và 800.000 euro cho những công ty có quy mô lớn hơn.
Theo số liệu do trang worldometers.info công bố, tính đến 19h30 ngày 6/4 (giờ Việt Nam), số trường hợp mắc COVID-19 trên toàn nước Đức đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể đang là 100.132 người, và 1.584 trường hợp tử vong.