Văn bản dài 98 trang này được đánh giá là tài liệu “có ý nghĩa nhất” về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu.
Sách Trắng Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU trong mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào quan hệ thương mại và hợp tác với EU trong những năm tới, với đề xuất trọng tâm là kế hoạch xây dựng một khu vực thương mại tự do về hàng hóa cùng EU, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh.
Văn bản thể hiện mong muốn của Chính phủ Anh trong việc duy trì quan hệ gần gũi với EU sau Brexit, với việc tiếp tục tham gia vào các cơ quan của khối này trong những lĩnh vực hóa chất, hàng không và y tế…
Nội dung cụ thể của Sách Trắng này bao gồm các đề xuất chính sau thể hiện lập trường đàm phán của Chính phủ Anh: Anh sẽ duy trì một “bộ quy định chung” với tất cả hàng hóa trong thương mại với EU, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp; Một hiệp định sẽ được ký để bảo đảm Anh cam kết tiếp tục “tuân thủ hài hòa” những quy định của EU - tránh sự ngăn trở trên biên giới giữa Anh và EU, bao gồm biên giới Bắc Ireland; Quốc hội Anh có quyền giám sát chính sách thương mại của Anh và có khả năng quyết định điều chỉnh việc Anh áp dụng các quy định của EU; Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ không còn thẩm quyền tại Anh - nhưng các tòa án của Anh sẽ phải “lưu ý” đến phán quyết của ECJ trong các lĩnh vực mà Anh tuân thủ hoàn toàn quy định của EU; Biên giới giữa Anh và EU sẽ được xem như một “lãnh thổ hải quan hỗn hợp”; Việc đi lại tự do giữa Anh và EU sẽ chấm dứt, mặc dù Sách Trắng Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May cũng thể hiện sự “xuống thang” khi đề xuất cho phép người lao động từ EU sang Anh mà không cần visa để đảm nhiệm những công việc “tạm thời”.
Một nội dung khác được lưu ý trong Sách Trắng là Chính phủ Anh từ bỏ các kế hoạch duy trì quan hệ gần gũi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với EU, đồng nghĩa với việc Anh sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của châu Âu để đổi lấy sự linh hoạt và tự chủ trong vấn đề này.
Văn bản Sách trắng Brexit được Chính phủ Anh đưa ra trong bối cảnh một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ đang gia tăng áp lực đòi bà May phải từ bỏ kế hoạch Brexit nói trên, sau khi hai nhân vật hàng đầu trong nội các là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit David Davis cùng với một số thành viên chính phủ cấp thấp khác cũng từ chức để phản đối kế hoạch mà họ gọi là “sự phản bội” đối với mong muốn Brexit của cử tri Anh.
Những nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit "cứng" cho rằng Sách Trắng Brexit, được cụ thể hóa từ kế hoạch do Nội các của bà May thông qua ngày 6/7 tại Chequers, sẽ ràng buộc Anh với EU “vô thời hạn” và ngăn cản Anh ký các hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác trên toàn cầu.
Trong động thái thể hiện sự phản đối của mình đối với nội các và Thủ tướng May, người đứng đầu nhóm nghị sĩ Bảo thủ Jacop Rees-Mogg cùng các đồng minh đã đưa ra một loạt sửa đổi đối với dự luật hải quan và thương mại do chính phủ đệ trình, làm gia tăng khả năng dự luật này có thể bị bác bỏ tại Hạ viện vào đầu tuần tới.
Đáp trả những lời chỉ trích, phát biểu trên truyền hình Anh ngày 12/7, tân Bộ trưởng Brexit Anh Dominic Raab khẳng định Sách Trắng Brexit vừa công bố thể hiện tôn trọng nguyện vọng của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đồng thời cũng xem xét và giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp. Ông Raab cho rằng Sách Trắng Brexit là “khả thi, mạnh dạn và tham vọng, nhưng cũng rất thực tế” khi bảo đảm sự cân bằng cần thiết giữa duy trì các thỏa thuận hiện có với EU trong khi cũng “giải phóng nước Anh” vì “xứ sở sương mù” sẽ giành lại quyền ấn định mức thuế quan, kiểm soát hoàn toàn ngành dịch vụ, kiểm soát biên giới và tự do xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do.
Những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Bảo thủ về kế hoạch Brexit đã khiến tỷ lệ ủng hộ đảng này tiếp tục giảm đi. Theo một kết quả thăm dò dư luận được công bố trong ngày 12/7, Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn đã giành được tỷ lệ ủng hộ 39% so với tỷ lệ 37% của đảng Bảo thủ, đánh dấu lần đầu tiên Công đảng vượt lên trước đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò dư luận từ tháng 4/2018 đến nay.
Các nhà lãnh đạo châu Âu bước đầu đã có những phản ứng “tích cực” nhưng dè dặt đối với Sách Trắng Brexit vừa được công bố. Trước đó, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc từng đề xuất của Chính phủ Anh. Cả EU và Anh đều đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận về Brexit trong tháng 10 năm nay, để đảm bảo đủ thời gian cho các cơ quan lập pháp của EU và Anh thông qua trước thời điểm Anh rời EU vào cuối tháng 3/2019. Việc thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận cũng đồng nghĩa với những biến động lớn về kinh tế giữa hai bên.
Sách Trắng Brexit được công bố trong bối cảnh cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm Anh. Ông Trump được cho là ủng hộ Brexit “cứng” và đã nhiều lần thể hiện quan điểm cho rằng nước Anh càng “đoạn tuyệt” hẳn với EU bao nhiêu thì càng thuận lợi bấy nhiêu trong việc xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ sau Brexit.