Thông cáo của hội đồng này nêu rõ Chủ tịch Hội đồng, ông Abdel-Fattah Al-Burhan đã ban hành quyết định trên.
Cùng ngày, người phát ngôn TMC, Tướng Shams Eddin Kabashi cho biết 2 người anh em của cựu Tổng thống Omar al-Bashir đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Khartoum, ông Kabashi nêu rõ 2 nhân vật Abdalla và Abbas al-Bashir đã bị bắt giữ, song không cung cấp thêm thông tin hoặc thời điểm xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó, ông Kabashi nhấn mạnh hội đồng trên sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch bắt giữ những nhân vật trong chính quyền cũ và những đối tượng bị nghi có hành vi tham nhũng, đồng thời cam kết công bố danh sách và ảnh của những người bị bắt. Ông cũng thông báo các đơn vị quân đội chưa được biên chế như lực lượng cảnh sát, lực lượng phòng vệ nhân dân sẽ do các sĩ quan quân đội chỉ huy trước khi hợp nhất thành những đơn vị quân đội chính quy.
Sau thông báo về các vụ bắt giữ trên, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Khartoum nhằm gây sức ép buộc TMC đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Việc bắt giữ 2 anh em của cựu Tổng thống được cho là một sự nhượng bộ khác của quân đội đối với những người biểu tình, vốn yêu cầu bắt giữ toàn bộ các nhân vật chủ chốt và quan chức cấp cao trong chính quyền cũ.
Cùng ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này ủng hộ tiến trình chuyển tiếp dân chủ và hòa bình ở Sudan, do những nhân vật dân sự đại diện cho toàn thể nhân dân Sudan lãnh đạo. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh những người biểu tình ở thủ đô Khartoum kiên quyết yêu cầu lực lượng quân đội chuyển giao quyền lực cho dân sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus cho biết thêm Mỹ vẫn liệt Sudan vào danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố và nhấn mạnh chính sách của Washinton với Khartoum sẽ dựa trên những đánh giá của Mỹ về các diễn biến trên thực địa và những hành động của chính quyền chuyển tiếp. Mỹ liệt Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1993 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, áp đặt lệnh cấm vận thương mại và siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Bà Ortagus cũng khẳng định Mỹ hoan nghênh TMC phóng thích các tù nhân chính trị và hủy bỏ lệnh giới nghiêm tại Khartoum. Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết nước này sẽ cử Makila James, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hiện phụ trách khu vực Đông Phi, đến Khartoum cuối tuần này nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Sudan.
Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã lập TMC nhằm điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, mà hội đồng này ước tính sẽ kéo dài tối đa 2 năm.
Tuy nhiên, việc phế truất Tổng thống al-Bashir ngày 11/4 vừa qua và những lời cam kết của TMC chưa thể thoả mãn những người biểu tình. Hiệp hội Các chuyên gia (SPA) - lực lượng nòng cốt tổ chức cuộc biểu tình tại Sudan kể từ ngày 19/12/2018, tiếp tục đưa ra một loạt yêu cầu như: giải tán Hội đồng quân sự và thay thế bằng một Hội đồng dân sự có đại diện của quân đội hay bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan tư pháp Abdelmajid Idris và Trưởng công tố Omer Ahmed Mohamed Abdelsalam... Nguồn tin quân đội Sudan ngày 17/4 cho biết Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir đã bị chuyển đến nhà tù Kober ở Khartoum trong bối cảnh người dân tiếp tục tiến về thủ đô bằng xe bus và xe tải để tham gia vào đoàn biểu tình trước trụ sở của Bộ Quốc phòng.