Tuyên bố phát đi ngày 15/4 của Hội đồng Hòa bình và an ninh (PSC) thuộc AU nêu rõ nếu chính quyền quân sự ở Sudan không thể chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự trong vòng 15 ngày, AU sẽ đình chỉ “sự tham gia của Sudan trong tất cả các hoạt động của AU cho đến khi (nước này) khôi phục trật tự hiến pháp”.
Thời hạn chót nói trên được đưa sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ sau gần 30 năm cầm quyền. Hiện các cuộc biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ trên các đường phố ở Sudan và hàng nghìn người dân tiếp tục biểu tình ngồi trước trụ sở Bộ Quốc phòng nước này để yêu cầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự.
AU - tổ chức có 55 nước thành viên - lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính ở Sudan, đồng thời nhấn mạnh rằng “việc chuyển tiếp do quân đội dẫn dắt là hoàn toàn trái ngược với những nguyện vọng của nhân dân Sudan". Trong lịch sử, AU cũng đã từng đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập và CH Trung Phi sau các vụ đảo chính ở hai quốc gia này năm 2013. Tuy nhiên, hiện cả hai nước này đã được khôi phục quy chế thành viên tại liên minh sau khi ổn định tình hình trong nước.
Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã lập TMC nhằm điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, mà hội đồng này ước tính sẽ kéo dài tối đa 2 năm. Tuy nhiên, việc phế truất Tổng thống al-Bashir ngày 11/4 vừa qua và những lời cam kết của TMC chưa thể thoả mãn những người biểu tình. Hiệp hội Các chuyên gia (SPA) - lực lượng nòng cốt tổ chức cuộc biểu tình tại Sudan kể từ ngày 19/12/2018, tiếp tục đưa ra một loạt yêu cầu như: giải tán Hội đồng quân sự và thay thế bằng một Hội đồng dân sự có đại diện của quân đội hay bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan tư pháp Abdelmajid Idris và Trưởng công tố Omer Ahmed Mohamed...
Trong động thái tháo gỡ bế tắc mới nhất, hãng thông tấn SUNA của Sudan cho biết Trung tướng Jalal al-Deen al-Sheikh, một thành viên của TMC, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ethiopia ở Addis Ababa - nơi có trụ sở của AU. Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông al-Sheikh cho biết: "Chúng tôi đang trong tiến trình lựa chọn thủ tướng cho một chính phủ dân sự", đồng thời nhấn mạnh rằng "đây là con đường hướng tới hòa bình" cho đất nước Sudan.
Người đứng đầu TMC - Tướng Abdel Fattah al-Burhan cũng đã điện đàm với Quốc vương các nước Saudi Arabia và Qatar; Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nam Sudan; cùng Thủ tướng Ethiopia, trong đó các bên đều bày tỏ sự ủng hộ đối với TMC trong "giai đoạn lịch sử và nhạy cảm" này, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh cũng như sự ổn định của đất nước Sudan.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/4, đại diện của TMC cho biết Tổng thống bị lật đổ Omar al-Bashir có bị giao nộp cho Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) hay không sẽ tùy thuộc vào chính quyền dân sự sắp tới ở Sudan. Trước đó, TMC cũng đã bác bỏ khả năng ông al-Bashir bị dẫn độ chừng nào hội đồng này còn nắm quyền tại Sudan, thay vào đó nhà lãnh đạo này có thể bị xét xử trong nước.
Khẳng định trên được TMC đưa ra sau khi Tổ chức Ân xá quốc tế đề nghị Sudan giao nộp ông al-Bashir cho ICC. Theo Tổng Thư ký tổ chức này - ông Kumi Naidoo, Tổng thống al-Bashir bị truy nã vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và việc Sudan bàn giao ông al-Bashir cho ICC sẽ chứng tỏ cho các nạn nhân thấy rằng công lý được thực thi. Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt giữ ông al-Bashir với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột sắc tộc tại khu vực Darfur (Đa-phơ), miền Tây Sudan, hồi năm 2003.