Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Nga: Phần chìm của 'tảng băng nổi' Ukraine

Đà lao dốc mạnh của đồng ruble tại Nga những ngày gần đây là hệ quả của chiến tranh kinh tế - tiền tệ mà các cường quốc phương Tây phát động. Những yếu điểm của Nga là gì và đâu là biện pháp đối phó hữu hiệu của Moskva?

Kì một: Con Ngựa Thành Troa?


Hôm 14/12, đồng ruble Nga đã có phiên mất giá kỉ lục, lên đến 10% chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đã ngay trong đêm đưa ra quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 6,5 điểm phần trăm, từ mức 10,5% lên 17%. Nhưng quyết định của RCB chỉ làm dòng vốn thêm căng thẳng, đưa đến hệ quả đồng ruble bị các thiết chế tài chính, ngân hàng quốc tế loại khỏi danh sách định giá và tính thanh khoản khỏi thị trường tiền tệ, dẫn đến sự ngưng trệ về giao dịch thương mại. Có vẻ như RCB đã hành xử theo sự “đồng điệu với phương Tây” hơn là bảo vệ lợi ích cho nước Nga.

Đồng ruble vừa trải qua đợt mất giá mạnh. Ảnh: AFP


Tờ Russia Today ngay sau đó đưa đậm tin: Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko đã yêu cầu bỏ phiếu tại quốc hội về mở cuộc điều tra những hoạt động của RCB thời gian gần đây, cũng như những cáo buộc cho rằng thiết chế này phải chịu trách nhiệm khi để đồng ruble lâm vào khủng hoảng, trở thành đồng tiền mất giá tồi tệ nhất.

Nữ Thượng nghị sĩ cho rằng, theo luật định, bảo đảm ổn định tài chính cho đất nước là nhiệm vụ trung tâm của RCB và giới điều hành cấp cao tại tổ chức này. Thế nhưng, hành động của RCB, nhất là việc dâng lãi suất chủ chốt lên 17%, cho đến nay chỉ mang lại những hệ quả tiêu cực. Không loại trừ viễn cảnh RCB được phương Tây chống lưng và có “đạo quân thứ 5” ngay tại thiết chế tài chính này.  RCB về bản chất là một tổ chức độc lập, ít chịu sự can thiệp hành chính của chính phủ. Giống như nhiều Ngân hàng Trung ương khác ở phương Tây, nó chú trọng bảo vệ lợi ích của tư bản toàn cầu và các trùm tài phiệt khu vực.

Ngay tại thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” nhất, giới tinh hoa ở RCB cũng vẫn chỉ nghĩ đến việc duy trì sự tồn tại của mình cùng hệ thống ngân hàng. Cổng thông tin chuyên về tài chính toàn cầu Zero Hedge đã có bài bình luận về vấn đề này. Theo đó, tại thời điểm đồng ruble tạm ngừng giao dịch vì tỉ lệ mất giá quá lớn, RCB đã cho đăng tải thông cáo về “7 biện pháp” sẽ áp dụng để ổn định hóa nền tài chính”, hệ thống ngân hàng, thông qua việc hoãn trả nợ cho các khoản chứng khoán thua lỗ, phá vỡ tỉ lệ lãi suất…

Cách xử lý của RCB giống y như những gì mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn hay làm: Ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu bất ổn, họ lập tức chỉ để mắt đến việc xây một con thuyền to, đẹp cho riêng mình và các ngân hàng con khác, còn để mặc mọi người khác cứ việc chết chìm.

Russia Today còn đưa tin: Một nhóm các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã gửi cho Tổng thống Vladimir Putin một bức thư, yêu cầu Tổng thống cách chức Giám đốc RCB, bà Elvira Nabiullina, cùng toàn bộ giới lãnh đạo cấp cao tại cơ quan này. Lý do là bởi những chính sách mà RCB đưa ra đã đẩy đồng ruble mất giá và làm bần cùng hóa cuộc sống của đại đa số người dân Nga.

Nói cách khác, những gì mà RCB thực thi trong thời gian qua thực chất chỉ là một chính sách “khắc khổ” ở Nga, như những ngân hàng trung ương khác. Đó đều là những thể chế do những ông trùm “tay to” lắm tiền nắm quyền sở hữu và kiểm soát về chính sách. Thế nhưng, truyền thông phương Tây thì lại cố hướng lái thông tin sang hướng khác, đổ tội “khủng hoảng đổng ruble” là do lỗi lầm của Tổng thống Putin, mặc dù ông chẳng liên quan trực tiếp chút nào đến chính sách tiền tệ.

Xem Kì 2: Mưu mẹo chính trị giúp Nga hóa giải thủ đoạn kinh tế Mỹ?


Hoài Thanh (Theo ICH)

Mưu mẹo chính trị giúp Nga hóa giải thủ đoạn kinh tế Mỹ?
Mưu mẹo chính trị giúp Nga hóa giải thủ đoạn kinh tế Mỹ?

Sau những ồn ào liên quan đến đối đầu Nga – Phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, người ta bỗng nhận ra rằng, chiến tranh kinh tế - tiền tệ mà Mỹ phát động chống Nga là phần chìm sau tảng bang nổi – tinh vi và khó chống đỡ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN