Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, bên nào sẽ thiệt hơn?

Ở thời điểm hiện tại, khi căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, một số công ty nổi tiếng của Mỹ như Apple, Boeing và Intel có thể mắc kẹt giữa một cuộc chiến tranh thương mại.

Cuối tháng 1, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế với pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu. Thuế đối với pin mặt trời dự kiến tăng 30%, trong khi thuế máy giặt có thể là 50%.

Được biết pin mặt trời hiện là loại hàng hóa Trung Quốc tập trung sản xuất rất nhiều, do vậy Bắc Kinh đã thể hiện bất bình với động thái của Washington.

Nhiều nhà phân tích quan ngại việc chính quyền Tổng thống Trump mạnh tay với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây bùng phát chiến tranh thương mại. Ảnh: Reuters

Kênh CNN (Mỹ) cho biết trong những tháng tới, Tổng thống Trump còn phải quyết định liệu có áp thuế cao với cả thép và nhôm nhập khẩu hay không. Vào ngày 24/1 vừa qua, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross đã thể hiện rõ rằng Nhà Trắng dự định sẽ mạnh tay hơn đối với hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia đánh giá, nếu Mỹ tiếp tục có biện pháp cứng rắn về thương mại đối với Trung Quốc thì nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đáp trả.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ), ông Scott Kennedy đánh giá: “Họ sẽ phản kháng và đáp trả mạnh mẽ”.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ chọn tấn công loại sản phẩm hoặc ngành nào của Mỹ khi chiến tranh thương mại xảy ra. Tuy nhiên, dưới đây là một số ngành và công ty của Mỹ có thể gặp nhiều rủi ro.

Boeing

Ông Kennedy cho rằng Trung Quốc sẽ không chỉ tập trung trả đũa về pin mặt trời. Một trong những cách hiệu quả nhất để đáp trả là Trung Quốc có thể mua ít máy bay của Boeing và chuyển sang Airbus.

Boeing có thể là tập đoàn “chịu trận” đầu tiên nếu Trung Quốc nổi giận. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Panjiva, hiện tại Boeing đang đứng đầu danh sách nhà xuất khẩu hàng từ Mỹ tới Trung Quốc.

Nhà máy sản xuất của Boeing tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Đó cũng là điều mà tờ Global Times (Trung Quốc) đặt ra vấn đề này trong một bài bình luận đăng năm 2016. Nội dung bài bình luận cho rằng Trung Quốc không sợ đáp trả trong thương mại và nếu nhận thấy phù hợp thì các hợp đồng với Boeing sẽ bị thay thế chuyển sang Airbus.

Đó sẽ là thất bại lớn đối với Boeing. Trong những năm gần đây, tập đoàn này đã có nhiều thỏa thuận trị giá hàng chục tỉ USD để bán máy bay cho Trung Quốc.

Các nhà sản xuất đậu tương


Một hàng hóa then chốt khác của Mỹ xuất khẩu tới Trung Quốc là đậu tương. Tính từ tháng 12/2016 tới tháng 11/2017, Mỹ đã xuất khẩu số lượng đậu tương trị giá 13 tỉ USD tới Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc quyết định trừng phạt đậu tương Mỹ và quyết định chuyển sang mua mặt hàng này từ những quốc gia khác thì đây sẽ là “cú đòn” đối với nông nghiệp Mỹ.

Đậu tương được trồng khá nhiều tại các bang Illinois, Iowa, Minnesota, North Dakota, Indiana và Missouri của Mỹ.

Apple

Ông lớn công nghệ Apple của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc ra tay. Khoảng 7% doanh số bán hàng của Apple nằm tại Trung Quốc đại lục.

Apple cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu chiến tranh thương mại xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Reuters

CNN đánh giá rằng các nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi cũng không kém cạnh Apple. Do vậy, bất cứ nỗ lực nào của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế doanh số iPhone cũng có thể khiến công ty này chịu thiệt hại lớn.

Qualcomm và Intel

Trung Quốc là nhà nhập khẩu chất bán dẫn lớn nhất trên thế giới. Các công ty sản xuất hàng điện tử tại Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về chất bán dẫn.

Do vậy, thuế nhằm vào chất bán dẫn sẽ gây cơn đau đầu cho các nhà sản xuất Mỹ là Qualcomm và Intel.

Trung Quốc là thị trường số một đối với cả Qualcomm và Intel. Hai công ty này đã bỏ ra khá nhiều thời gian để xây dựng các mối quan hệ tại Trung Quốc.

Intel đã mở cơ sở sản xuất trị giá 2,5 tỉ USD tại Đại Liên, Trung Quốc trong năm 2010. Vào tháng 11/2017, trong chuyến thăm của Tổng thống Trump, Qualcomm đã công bố về thỏa thuận trị giá 12 tỉ USD với các công ty Trung Quốc.
 
Trung Quốc có chịu rủi ro?

Khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh thuế 35% với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2009, Bắc Kinh đã trả đũa vào các mặt hàng thịt gà và xe hơi Mỹ.

Tuy nhiên, trả đũa thuế với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thể mang nhiều rủi ro. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc bởi gia tăng cạnh tranh và đe dọa với thị trường lao động.

Ông Michael Every tại công ty tài chính Hà Lan Rabobank nhận định: “Nếu Trung Quốc tẩy chay Boeing thì Airbus sẽ độc quyền, do vậy giá có thể tăng và thời gian chờ đợi bàn giao sẽ lâu hơn. Trong trường hợp Trung Quốc phản đối Apple thì các công nhân của công ty này tại Trung Quốc sẽ mất việc làm”.

Ông Christopher Rolland tại công ty đầu tư Mỹ Susquehanna cho rằng Bắc Kinh sẽ không đáp trả vào lĩnh vực chất bán dẫn bởi điều này ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện tử tại Trung Quốc, gây khó khăn trong cạnh tranh với Việt Nam và Philippines.

Hà Linh/Báo Tin tức
Người dẫn chương trình Olympic 'á khẩu' vì lớp trang điểm đóng băng
Người dẫn chương trình Olympic 'á khẩu' vì lớp trang điểm đóng băng

Nhiệt độ thấp ở Pyeongchang (Hàn Quốc) đã khiến những người dẫn chương trình của đài BBC (Anh) không thể mở miệng nói lưu loát bởi lớp trang điểm đóng băng trên khuôn mặt họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN