Vụ việc bị châm ngòi từ sáng 10/2 khi trực thăng Israel bắn hạ một máy bay không người lái Iran bị cáo buộc xuất phát từ Syria và xâm phạm không phận Israel. Ngoại trưởng Iran đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chỉ hỗ trợ Syria về cố vấn quân sự.
Hiện trường vụ rơi máy bay F-16 của Israel.
Lực lượng Không quân Israel tiếp đó điều chiến đấu cơ tấn công các "vị trí của Iran" tại Syria. Điều này dẫn đến việc F-16 của Israel trúng hỏa lực phòng không Syria. May mắn là viên phi công điều khiển F-16 đã bảo toàn được tính mạng sau khi máy bay rơi. Phía Israel tiếp đó tiến hành nhiều vụ không kích được đánh giá là chiến dịch lớn nhất của Tel Aviv kể từ năm 1982.
Trong khi Mỹ tuyên bố ủng hộ Tel Aviv thì cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại trước tình trạng "nóng" giữa Israel, Iran và Syria. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lo ngại rằng việc chiến đấu cơ Israel xuất kích đến Syria có thể gây tổn hại cho tiến trình hòa bình của quốc gia Trung Đông này.
Nhà phân tích quân sự Amir Orden nhận định, trên thực tế điều các bên thực sự muốn là đối thoại. “Chúng ta có thể chứng kiến hiện tượng có bên sẽ tuyên bố chiến thắng nhưng diễn biến trên thực địa dường như sẽ nằm trong tầm kiểm soát”, ông Orden cho hay.
Ông Orden đánh giá Israel đã không tấn công các mục tiêu trọng yếu của Syria và Iran trong khu vực: “Đó là sự đáp trả có kiềm chế, một dạng đối thoại bằng hỏa lực. Hai phía đã nỗ lực không sát hại đối phương. Có một vài người đã bị thương nhưng đến nay chưa có trường hợp nào tử vong”.
Trong khi đó, ông Max Blumenthal tại mạng truyền hình The Real News (Mỹ) cũng cho rằng Israel không có chủ đích leo thang căng thẳng. Dù Israel một lần nữa đổ hoàn toàn trách nhiệm lên vai Iran, nhưng ông Blumenthal đánh giá rằng chính Syria có thể đã mất kiên nhẫn sau nhiều lần bị Israel vi phạm chủ quyền và Tel Aviv còn chiếm Cao nguyên Golan.