Thủ tướng Sheikh Hasina đã chấp thuận chiến dịch chống ma túy trong đầu tháng 5 để giải quyết tình trạng lây lan của ya ba, loại ma túy đá có giá trị buôn bán gần 3 tỉ USD/năm. Loại ma túy đá này thường được tuồn vào Bangladesh từ Myanmar.
Cảnh sát Dhaka bắt giữ các nghi phạm buôn bán ma túy. Ảnh: EPA |
Cảnh sát Bangladesh ước tính có tới 7 triệu người dân nước này nghiện ma túy, chủ yếu là yaba. Tổ chức nhân quyền Odhikar ngày 27/5 cho biết đã có 91 người thiệt mạng trong 13 ngày gần đây liên quan tới chiến dịch chống ma túy của chính phủ Bangladesh.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn từ các quan chức Bangladesh ngày 28/5 xác nhận việc cảnh sát tự vệ trong cuộc đối đầu với nghi phạm buôn bán ma túy đã khiến 91 người thiệt mạng.
Một quan chức trong ngành cảnh sát Bangladesh, ông Devdas Bhattacharya cho hay: “Trong thời gian gần đây, việc xử lý vấn nạn buôn bán trái phép ma túy đã được đẩy mạnh và chúng tôi thấy rằng người dân cần cảnh giác cũng như có động lực để nói không với ma túy. Quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến khi ma túy bị nhổ sạch hoàn toàn đến tận rễ”.
Ông Devdas Bhattacharya cũng thừa nhận cảnh sát trong ngày 27/5 đã bắt giữ 6 người, trong đó có một cậu bé 12 tuổi thuộc cộng đồng người Rohingya ở Myanmar. Những người này đã mang theo 3.350 viên ya ba đến thủ đô Dhaka của Bangladesh.
Tờ Independent (Anh) đưa tin chính phủ Bangladesh nhận định rằng chính dòng người Rohingya di cư từ Myanmar là “nguồn” chính cho tình trạng methamphetamine bành trướng. Tuy nhiên, nhiều người Rohingya khẳng định thanh niên của cộng đồng này đã bị ép buộc vào con đường phạm tội bởi họ không được cho phép lao động hợp pháp.
Tuy nhiên biện pháp mạnh tay của chính phủ Bangladesh trong chiến dịch này đang khiến nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền quan ngại. Ông Meenakshi Ganguly, giám đốc nhánh Nam Á của Tổ chức phi chính phủ Theo dõi Nhân quyền, nhận định rằng chính phủ Bangladesh “cần lưu ý đến lo ngại của các gia đình và những nhà hoạt động rằng nhiều người đã chết dưới bàn tay của lực lượng thuộc chính phủ mà không qua xét xử”.
Đài BBC (Anh) cho biết Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền đánh giá cần mở điều tra về những cái chết liên quan đến chiến dịch chống ma túy của Bangladesh.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nội địa Asaduzzaman Khan đã bác bỏ cáo buộc nói trên đồng thời khẳng định không có việc cảnh sát giết người ngoại tụng. Bộ trưởng Khan còn nhấn mạnh hàng chục cảnh sát đã bị thương trong các chiến dịch chống ma túy.
Diễn biến tại Bangladesh đã được đem ra so sánh với cuộc chiến chống ma túy trong thời gian qua tại Philippines với điểm chung là số người thiệt mạng khá lớn, và hầu hết đều không qua xét xử. Có thông tin rằng kể từ tháng 7/2016 khi Tổng thống Rodrigo Duterte khởi động cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã có tới 7.000 người thiệt mạng. Tổng thống Duterte từng nói rằng chiến dịch của ông không chỉ nhắm tới những kẻ buôn bán ma túy mà còn bao gồm “tiêu diệt những kẻ nghiện ngập”.