Phóng viên TTXVN tại London dẫn dữ liệu do Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) công bố ngày 2/4 cho biết chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 3 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,5% trong tháng 2. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2021 khi CPI tăng 0,8%, đồng thời là lần đầu tiên trong hơn 2 năm chỉ số này tăng ở mức dưới 2%.
Số liệu cập nhật cũng cho thấy lạm phát phi thực phẩm giảm từ mức 1,3% trong tháng 2 xuống còn 0,2% trong tháng 3, trong khi lạm phát thực phẩm giảm từ 5% xuống 3,7%.
Đáng chú ý, chỉ số giá thực phẩm vẫn tiếp tục cao hơn các danh mục hàng hóa tiêu dùng khác, nhưng ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 15,7% ghi nhận hồi tháng 4/2023.
Giám đốc điều hành BRC Helen Dickinson cho biết lạm phát đã giảm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ nhằm thu hút chi tiêu của người tiêu dùng, khi các hộ gia đình gặp khó khăn phải cắt giảm chi tiêu.
Hiện ngày càng có nhiều hy vọng rằng đợt lạm phát mạnh nhất trong 40 năm đã qua và dự đoán Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể bắt đầu triển khai cắt giảm lãi suất trong vòng vài tháng để giảm bớt áp lực đối với các hộ gia đình.
Thị trường tài chính Anh đang kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới sau khi lạm phát trong tháng 4 này được dự báo sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của BoE.
Tuy nhiên, bà Dickinson cảnh báo việc tăng lương tối thiểu từ 10,42 bảng (13,09 USD)/giờ lên 11,44 bảng/giờ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4, cùng với việc tăng thuế lên mức 6,7% áp dụng với nhiều doanh nghiệp và nhiều quy định mới về vật liệu tái chế cũng như các biện pháp kiểm soát biên giới bổ sung liên quan việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) có thể khiến tiến trình giảm lạm phát gặp rủi ro.