Một trong những yếu tố khiến khói của các đám cháy rừng trở nên độc hại chính là bụi mịn. Theo bà Rebecca Hornbrook, nhà hóa học khí quyển thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia của Mỹ, lượng lớn bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có đường kính dưới 2,5 micromet) phát tán trong không khí sau các trận cháy rừng là mối đe dọa với sức khỏe con người, do các hạt bụi li ti này có thể xâm nhập sâu vào phổi và thậm chí cả máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến bầu trời âm u và tầm nhìn bị hạn chế, như tại thành phố New York (Mỹ) hồi tháng 6 do khói từ cháy rừng ở miền Tây Canada lan sang.
Ngoài bụi mịn, các chất vô hình - được biết đến là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) - như butane và benzene cũng tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe khi có thể gây kích ứng mắt và cổ họng, thậm chí gây ung thư. Khi VOC kết hợp với nitrogen oxide (NOx) - được tạo ra từ các đám cháy rừng nhưng cũng tràn ngập ở khu vực đô thị do đốt nhiên liệu hóa thạch, có thể khiến các triệu chứng ho, đau họng, khó thở và hen suyễn trở nên nghiêm trọng.
Chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Đại học British Columbia, ông Christopher Carlsten, cho biết khói cháy rừng có thể ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch nhiều hơn so với khói bụi từ giao thông, do nồng độ khí nitric oxide (NO) trong khói cháy rừng cao hơn. Ông cho biết các nhà khoa học tại trường British Columbia đã tiến hành một số nghiên cứu về ảnh hưởng của khói gỗ cháy đối với con người để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Các nhà khoa học tại Đại học Stanford của Mỹ ước tính chỉ trong đầu tháng 7 vừa qua, mỗi người dân nước này đã tiếp xúc với lượng khói bụi trung bình ở mức 450 microgam/m3, nhiều hơn mức tổng cộng trong các năm từ 2006 đến 2022.
Do đó, theo các nhà học, các quy định về ô nhiễm trước đây đã giúp hạn chế lượng khí thải từ ô tô và các ngành công nghiệp, nhưng thế giới vẫn cần có hành động quyết liệt hơn để hạn chế những tác động của cháy rừng. Nhiều nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu còn đang tác động đến sức khỏe tinh thần con người, trong đó có thể kể đến trạng thái lo âu, căng thẳng khi đối mặt với các thảm họa tự nhiên.