Một phân tích khoa học chuyên sâu của nhóm nghiên cứu World Weather Attribution, công bố ngày 22/8, đã chứng minh rằng khả năng xảy ra các mùa cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng như ở Canada trong năm nay tăng gấp 7 lần do con người đốt nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu cũng cho thấy trong năm qua, điều kiện dễ xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng tăng hơn 50% do sự nóng lên toàn cầu.
Tác giả hàng đầu của nghiên cứu trên, bà Clair Barnes - chuyên gia thống kê môi trường tại Đại học Imperial College London, cho biết: “Khi chúng ta tiếp tục làm hành tinh nóng lên, những hiện tượng thời tiết như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn”.
Canada đang trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay do nhiệt độ cao kỷ lục, độ ẩm thấp và tuyết tan sớm. Gần 15,3 triệu ha đất đã bị thiêu rụi, cao hơn gấp đôi kỷ lục trước đó ghi nhận vào năm 1989. Khoảng 200.000 người đã phải sơ tán, ít nhất 4 người thiệt mạng và khói từ các khu rừng đang cháy đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm lan rộng khắp Canada và miền Nam nước Mỹ, khiến số ca phải nhập viện cấp cứu tăng đột biến, thậm chí buộc nhiều trường học phải đóng cửa.
Tính đến cuối tháng 7, các vụ cháy rừng đã thải trực tiếp hơn một tỷ tấn CO2 vào khí quyển, cũng như khí methane và nitrous oxide kết hợp tạo hiệu ứng tương đương hơn 110 triệu tấn CO2.
Nhà sinh thái học Yan Boulanger thuộc Cục Lâm nghiệp Canada và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết tác động tích lũy của các điều kiện thuận lợi cho hỏa hoạn là vấn đề then chốt, "vì điều kiện thời tiết dễ cháy kéo dài lâu như vậy nên các đám cháy bùng phát lớn như vậy".
Nhóm nghiên cứu cũng xác định khoảng thời gian 7 ngày khi điều kiện thời tiết dễ cháy rừng ở mức cao nhất và nhận thấy khả năng xảy ra những điều kiện đỉnh điểm như vậy cao gấp đôi so với trước đây do biến đổi khí hậu.
Phân tích cho thấy nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch với tốc độ cao, cường độ cũng như khả năng xảy ra các điều kiện thời tiết dễ hỏa hoạn sẽ gia tăng. Ông Boulanger cảnh báo cháy rừng đe dọa tương lai của ngành lâm nghiệp. Trong khi đó, các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đều ở vùng sâu, vùng xa và có tương đối ít nguồn lực, bao gồm cả người dân bản địa, chiếm 75% số người phải đi sơ tán vào tháng 7 vừa qua.
Bà Barnes cho biết: “Khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ không ngừng gia tăng cho đến khi chúng ta đạt mức phát thải ròng bằng 0 và ngừng thải thêm khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển”.