Châu Phi hoan nghênh Mỹ thay đổi quan điểm về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine

Cơ quan quản lý y tế của Liên minh châu Phi (AU) ngày 6/5 hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc tạm thời miễn áp dụng nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vaccine ngừa COVID-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), ông John Nkengasong đánh giá đây là một diễn biến rất quan trọng. Phát biểu tại họp báo, ông Nkengasong cho biết: "Chính phủ Mỹ đã làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm trong cuộc chiến với thách thức khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của chúng ta".

Trước đó ngày 5/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bà Tai khẳng định: "Bối cảnh đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt".

Cùng ngày, giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti ca ngợi đề xuất miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" đối với châu lục này. Phát biểu tại họp báo thường kỳ của WHO châu Phi, ông Moeti cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh vai trò đi đầu của Nam Phi, Ấn Độ và Mỹ, đồng thời kêu gọi các nước khác làm theo họ".

Về phần mình, Giám đốc Liên minh vaccine Gavi, ông Thabani Maphosa cũng đánh giá cao việc Mỹ "đã tạo điều kiện để tăng sản lượng" vaccine trên toàn cầu. Việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc sản xuất vaccine với chi phí rẻ hơn, qua đó giúp các nước nghèo, vốn đang rất vất vả để có đủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng lên tiếng hoan nghênh thông báo trên của Mỹ.

Nhiều tháng qua, WTO nhận được những lời kêu gọi từ phía Nam Phi và Ấn Độ về việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các công nghệ khác đối với vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian diễn ra đại dịch. Đến ngày 6/5, quan điểm của một số nước bắt đầu thay đổi. Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác đã bày tỏ sẵn sàng thảo luận về đề xuất này. Dự kiến, Ấn Độ và Nam Phi sẽ trình một đề xuất sửa đổi lên WTO nhằm đạt đồng thuận của các nước.

Tuy nhiên, ý tưởng trên đang vấp phải sự phản đối của các hãng dược phẩm lớn. Họ cho rằng việc này sẽ tạo tiền lệ có thể đe dọa sự đổi mới, cải tiến trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.

Theo lập luận của người đứng đầu Tổ chức Cải tiến công nghệ sinh học (BIO) Michelle McMurry-Heath, trao cho các nước một cuốn sách hướng dẫn sản xuất mà không có nguyên liệu, nhân lực cũng như các biện pháp an toàn thì không giúp ích gì cho người dân đang mong chờ vaccine. Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng dược Moderna Stephane Bancel cho rằng sẽ rất mất nhiều thời gian để làm chủ được công nghệ về RNA vận chuyển (mRNA) - cơ sở để sản xuất vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như việc mua được các thiết bị, tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng và lập dây chuyền sản xuất quy mô lớn..., những việc này "không phải trong 6, 12 hay 18 tháng".

Các hãng dược cho biết việc sản xuất vaccine cũng bị ảnh hưởng của các hàng rào thuế quan và tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào. Đại diện công ty nghiên cứu Value Line, ông Ian Gendler cho biết việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ "không đồng nghĩa với việc các nước như Ấn Độ có thể đẩy nhanh sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine".

Đề xuất giải pháp cho việc này, hãng Johnson & Johnson và AstraZeneca cam kết bán vaccine với giá sản xuất, thay vì từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

Bích Liên (TTXVN)
Vaccine của Moderna hiệu quả 96% với trẻ em từ 12-17 tuổi
Vaccine của Moderna hiệu quả 96% với trẻ em từ 12-17 tuổi

Hãng Moderna ngày 6/5 cho biết vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng có hiệu quả 96% đối với trẻ em từ 12-17 tuổi. Đó là kết quả của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với nhóm tuổi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN