Theo trang The Guardian (Anh), mức nhiệt nóng kỷ lục trên được ghi nhận tại trạm quan trắc thành phố Syracuse, đảo Sicily, Italy. Kỷ lục này cũng đã được cơ quan khí tượng của hòn đảo xác nhận. Nếu được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công nhận, con số này sẽ phá kỷ lục mức nhiệt nóng nhất châu Âu từng được ghi nhận trước đó. Theo WMO, kỷ lục nóng nhất ở châu Âu là 48 độ C được ghi nhận tại Athens (Hy Lạp) vào năm 1977.
Phát hiện được đưa ra trong bối cảnh các đợt nắng nóng gay gắt đã trải dài từ Địa Trung Hải tới Tunisia và Algeria. Nhiều đám cháy đã bùng lên khắp khu vực trong hơn một tuần qua. Chính phủ Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng đã bị ảnh hưởng bởi các vụ hỏa hoạn kinh hoàng.
“Trong những ngày qua, Sicily đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài. Hiệu ứng foehn - sự thay đổi từ điều kiện ẩm ướt, lạnh giá ở một bên núi sang điều kiện khô hơn, ấm hơn ở dãy núi bên kia, trong vùng khuất gió của những ngọn núi phía tây Syracuse - có khả năng đã góp phần tạo ra mức nhiệt 48,8 độ C”, ông Trevor Mitchell, nhà khí tượng học tại Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, nói và cho biết vẫn cần có quá trình xác minh trước khi chính thức công nhận kỷ lục.
Ông Scott Duncan, nhà khí tượng học người Scotland, cho biết việc ghi nhận nhiều nhiệt độ kỷ lục là điều không thể tránh khỏi. “Một đợt nắng nóng nguy hiểm đang diễn ra và kéo dài ở phần lớn Bắc Phi và Nam Âu. Vùng tâm nhiệt sẽ dịch chuyển một chút về phía tây và phía bắc trong những ngày tới”, ông Scott viết trên Twitter.
Châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt nóng kỷ lục trong mùa hè này. Nhiều kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ ở Canada, phía tây của Mỹ, Phần Lan, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow. Những trận lũ lụt chưa từng có đã quét qua Đức và một số khu vực của Trung Quốc. Những đám cháy rừng kỷ lục đang bùng cháy ở rừng taiga Siberia, khu rừng lớn nhất thế giới.
Theo Mark Parrington, một nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus, Cộng hòa Sakha của Nga, các vụ cháy rừng đã giải phóng 208 megaton carbon trong năm nay, gần gấp đôi kỷ lục của năm ngoái.
Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã dự đoán rằng khí thải nhiên liệu hóa thạch từ các phương tiện giao thông, nhà máy và nạn phá rừng, sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc vừa qua đã kêu gọi các quốc gia cần hành động nhanh chóng để giảm bớt những tác động tồi tệ hơn.
“Biến đổi khí hậu đã xảy ra”, ông Owen Gaffney, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Khí hậu Potsdam cho biết. “Chúng ta đang thay đổi hoàn toàn hệ thống khí hậu nên những vùng nóng sẽ càng nóng hơn, những vùng ẩm ướt sẽ càng ẩm ướt hơn. Chúng ta sẽ có nhiều thái cực hơn”.