Trong năm 2020 và 2021, chính phủ liên bang đã cấp cho người Mỹ một số tiền lớn chưa từng có.
Một phần lớn trong phản ứng của Mỹ đối với COVID-19 là củng cố mạng lưới an sinh hiện có hoặc cung cấp các khoản cứu trợ cho những loại chi tiêu cụ thể, như thực phẩm hoặc nhà ở. Phiếu thực phẩm / trợ cấp SNAP (dinh dưỡng bổ sung) được nâng giá trị, người đi thuê nhà được đảm bảo và hỗ trợ trong hơn một năm.
Nhưng cốt lõi của phản ứng với đại dịch COVID-19 là gói kích thích lớn chưa từng có, rót trực tiếp tiền cho hầu hết người Mỹ. Trong ba vòng - vào tháng 3 và tháng 12/2020, tháng 3/2021 - hầu hết người Mỹ trưởng thành nhận được 3.200 USD mỗi người và hầu hết trẻ em Mỹ nhận được 2.500 USD. Sau đó, bắt đầu từ tháng 7/2021, hầu hết trẻ em Mỹ bắt đầu nhận được 250 USD/tháng, trẻ nhỏ nhận được 300 USD/tháng.
Đây là những chính sách diện rộng mà chỉ những người Mỹ khá giàu mới không được hưởng lợi. Chẳng hạn, đợt đầu tiên của gói chi phiếu kích thích đã cung cấp tiền cho 93% người Mỹ, chỉ còn lại 7% những người giàu nhất. Nhưng không giống như những lần phát chi phiếu kích thích được thông qua trong thời kỳ suy thoái năm 2001 và 2008, chi phiếu được phát trong giai đoạn 2020-2021 hướng đến cả nhóm dưới cùng của thang thu nhập, không cần yêu cầu người nhận trước đây đã nộp thuế liên bang.
Điều đó có nghĩa là các chi phiếu kích thích phải có tác động sâu sắc đến tình trạng nghèo đói trong năm nay hoặc kéo dài hơn - và đó chính xác là những gì các nhà nghiên cứu đang tìm ra.
Giảm nghèo ấn tượng!
Vào tháng 3, các nhà nghiên cứu tại Columbia do Zachary Parolin đứng đầu ước tính rằng nhờ kết quả của gói kích thích "Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ" dưới thời Tổng thống Biden, tỷ lệ nghèo ở Mỹ sẽ giảm xuống 8,5%, con số thấp kỷ lục và thấp hơn nhiều so với mức 12,8% của năm 2018.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu tại Viện Đô thị Mỹ, sử dụng một phương pháp đo lường nghèo đói khác, cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ nghèo năm 2021 sẽ là khoảng 7,7%, gần như giảm một nửa so với tỷ lệ 13,9% của năm 2018 theo phương pháp đo của họ. (Số liệu thống kê nghèo chính thức của chính phủ cho năm 2020 vẫn chưa được công bố.)
Các tác giả tại Columbia nhận thấy rằng nếu so sánh năm 2021 với mọi năm mà cuộc điều tra dân số có dữ liệu, từ năm 1967 đến 2019, và sử dụng một chuẩn nghèo nhất quán, thì năm 2021 được dự báo sẽ có tỷ lệ nghèo thấp nhất được ghi nhận.
Xét đến việc nước Mỹ phải chịu đựng đại dịch COVID-19 và cú sốc kinh tế vào năm 2020, những con số này thật đáng chú ý.
Đó là một tin quan trọng và cực tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm hiểu sâu hơn một chút về những gì các nghiên cứu này đang nhắm tới- và ý nghĩa của nó đối với việc hoạch định chính sách trong tương lai.
Phần lớn tín dụng để giảm tỷ lệ nghèo trong các mô hình của họ được chuyển đến các chi phiếu kích thích. Và trong khi chính quyền Tổng thống Biden hy vọng sẽ duy trì các chi phiếu 250 -300 USD/ tháng cho các bậc cha mẹ, những đợt thanh toán kích thích định kỳ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch được coi là các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Điều đó có nghĩa là, nếu không có hành động cứu trợ bổ sung của chính phủ, tình trạng nghèo đói có thể sẽ tăng trở lại vào năm 2022.
Nghiên cứu nghèo đói mới cho thấy điều gì
Do các phương pháp được sử dụng trong mỗi nghiên cứu rất khác nhau, nên điều đáng chú ý là chúng đã đưa ra một kết luận rất giống nhau: Tỷ lệ nghèo vào năm 2021 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2018 và thấp hơn chủ yếu là do các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Các nhà nghiên cứu tại Columbia ước tính rằng dự luật cứu trợ tháng 12/2020 (áp dụng lại chi phiếu thất nghiệp bổ sung và gửi ngân phiếu 600 USD cho mỗi người dân) giúp giảm tỷ lệ nghèo vào năm 2021 từ 13,6% xuống 12,3%; “Gói kích thích Biden”, bao gồm chi phiếu 1.400 USD, hỗ trợ thất nghiệp bổ sung và tín thuế trẻ em được tăng cường, đã cắt giảm thêm tỉ lệ nghèo xuống còn 8,5%. Nếu không có những biện pháp can thiệp này, tỷ lệ nghèo sẽ cao hơn năm 2018 chứ không phải thấp hơn.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Viện Đô thị Mỹ đã chia nhỏ chương trình chống đói nghèo. Nghiên cứu của họ cho thấy, chỉ riêng chi phiếu kích thích đã giúp khoảng 12,4 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong năm nay. Phiếu thực phẩm, bao gồm cả những cải tiến liên quan đến dịch COVID-19, đã đưa 7,9 triệu người khác thoát khỏi cảnh nghèo đói, trong khi bảo hiểm thất nghiệp (cả chương trình cơ bản và tiền thưởng COVID-19 đã đưa thêm 6,7 triệu người khác thoát nghèo.
Việc đo lường nghèo đói là vô cùng phức tạp. Nhưng phép toán cơ bản để đo lường lại khá đơn giản. Đầu tiên là chọn một số tiền. Sau đó tìm ra thu nhập của bao nhiêu người giảm xuống dưới mức tiền đó. Việc chọn mức tiền làm ngưỡng tiêu chuẩn nghèo và cách xác định thu nhập mới là khó.
Các nghiên cứu trên ngụ ý rằng giảm nghèo khá đơn giản: Chỉ cần đưa nhiều tiền hơn đến tay mọi người, cho dù điều đó sẽ là không đủ nếu bỏ qua số tiền mà chính phủ cung cấp thông qua các khoản tín thuế. Nhưng với bất kỳ biện pháp giảm nghèo thông thường nào, việc phân phát tiền mặt sẽ giúp giảm nghèo.
Chính phủ Mỹ đã cấp rất nhiều tiền mặt trong thời kỳ đại dịch. Nhưng điều đó gần như chắc chắn sẽ kết thúc. Vào năm 2022, khi các biện pháp đó không còn nữa, tình trạng nghèo đói có khả năng tăng trở lại, ngay cả trong một nền kinh tế lớn với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một chương trình giảm nghèo vĩnh viễn có thể đảm bảo rằng nước Mỹ không chỉ chống lại đói nghèo trong những điều kiện khắc nghiệt như đại dịch. Ví dụ, Mỹ có thể tăng trợ cấp thất nghiệp vĩnh viễn và thực hiện các biện pháp kích hoạt để tăng trợ cấp trong thời kỳ suy thoái.