Chặng đường thừa kế ‘ngai vàng’ Samsung chông gai của Lee Jae-yong

Lee Jae-yong đã chuẩn bị tinh thần suốt nhiều thập kỷ qua để kế thừa tập đoàn Samsung do ông nội sáng lập và được cha gây dựng thành một đế chế công nghệ khổng lồ như ngày nay. 

Chú thích ảnh
Ông Lee Jae-yong (giữa) rời khỏi phiên tòa ngày 8/6. Ảnh: Bloomberg

Thế nhưng, sau khi Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời hôm 27/10, người con trai độc nhất của ông và hiện giữ chức phó Chủ tịch tập đoàn có khả năng phải chờ đợi ngày “lên ngôi” lâu hơn nữa.  

Bloomberg đưa tin ông Lee Jae-yong hay còn gọi là Jay Y. Lee, 52 tuổi, đang là tâm điểm của hai phiên tòa xét xử liên quan đến cáo buộc hối lộ và làm giả sổ sách nhằm giúp cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra êm đẹp. Trong khi ông đã nhiều lần bác bỏ hành vi sai trái trên, ông Lee phải đối mặt với nguy cơ quay lại nhà giam nếu như bị kết tội. Samsung có thể tạm hoãn việc bổ nhiệm ông Lee thay người cha quá cố giữ chức chủ tịch tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này cho đến khi phiên tòa đầu tiên kết thúc sau vài tháng tới, nhằm tránh kịch bản tân chủ tịch lại phải ngồi tù. 

Điều này đồng nghĩa với việc Samsung sẽ hoạt động mà không có người đứng đầu thêm ít nhất vài tháng nữa. Thiếu ban lãnh đạo rõ ràng có thể tác động xấu đến hoạt động của nhiều công ty. Tuy nhiên, Samsung lại có các vị giám đốc điều hành dày kinh nghiệm phụ trách các chiến dịch quan trọng, và ông Lee chỉ giữ chức danh phó chủ tịch để đưa ra quyết định chiến lược hoặc quy mô lớn hơn nếu cần thiết.  

“Tôi cho rằng Jay Y. Lee sẽ được bổ nhiệm chức chủ tịch vào đầu năm sau. Ông ấy cũng có thể phải đợi cho đến khi vụ án hối lộ được làm rõ”, nhà phân tích Lee Sang-hun tại hãng cố vấn HI Investment & Securities nói. 

Phía Samsung từ chối bình luận. Tập đoàn này chưa từng tuyên bố ai sẽ kế nhiệm ghế chủ tịch cũng như thời điểm tiến hành. 

Thời điểm chính thức nắm quyền của ông Lee Jae-yong được đánh giá là rất nhạy cảm trong bối cảnh lòng bất mãn của công chúng Hàn Quốc đối với các tập đoàn quyền lực ở đất nước này, hay còn gọi là các chaebol, đã tăng mạnh những năm qua.

Phản ứng dữ dội đó một phần xuất phát từ những cáo buộc ông Lee hối lộ các nhân vật cấp cao trong đó có Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye. Năm 2017, ông Lee đã bị giam giữ khoảng 1 năm vì tội hối lộ bà Park để đổi lại việc chính quyền của bà ủng hộ thương vụ sáp nhập công ty Samsung C&T và công ty công nghiệp Cheil. Tháng 2/2018, người thừa kế Tập đoàn Samsung được thả sau khi một tòa án phúc thẩm của Hàn Quốc tuyên ông này mức án tù treo vì tội hối lộ. Tuy nhiên, năm ngoái, Tòa án Tối cao đã đề nghị xét xử lại vụ án.

Chú thích ảnh
Ông Lee Kun-hee vừa qua đời sau 6 năm nằm viện. Ảnh: Bloomberg

Cộng thêm phần phức tạp vào cuộc chuyển giao quyền lực này chính là khoản thuế phí thừa kế khổng lồ mà gia đình ông Lee phải trả, có khả năng nới lỏng quyền kiểm soát của họ đối với tập đoàn. Theo Bloomberg Billionaires Index, khối tài sản của cố Chủ tịch Lee Kun-hee ước tính khoảng 20,7 tỷ USD. Họ có thể phải nộp thuế gần 10 tỷ USD. 

Ông Chung Sun-sup, Giám đốc điều hành công ty phân tích doanh nghiệp Chaebul.com, cho biết đa số gia tộc lớn chọn cách đóng thuế bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu để bảo toàn quyền kiểm soát. Họ có thể mất đến 5 năm để hoàn thành khoản thuế trên. 

Gần như chắc chắn về việc ông Lee sau cùng sẽ kế nhiệm cha. Ông nói thành thạo 3 thứ tiếng, từng học tại Đại học Keio (Nhật Bản) và Khoa Kinh tế trường Harvard (Mỹ) sau khi nhận bằng tại Đại học Quốc gia Seoul. Ông đã mang lại cách tiếp cận toàn cầu hơn cho ban lãnh đạo của Samsung, tạo dựng mối quan hệ với các đối tác quan trọng như cố giám đốc Steve Jobs của Apple.

Trong khi Samsung Electronics nổi tiếng thế giới nhờ sản phẩm điện thoại thông minh và đồ gia dụng, hãng này lại kiếm nhiều tiền nhất bằng việc bán linh kiện cho các công ty trong đó có Apple.

Ông Chang Sea-Jin, Giáo sư tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá phương án chọn lựa ứng cử viên khác để tạm thời thay thế ông Lee Jae-yong không phải quyết định đúng đắn. Ví dụ, việc bổ nhiệm một nhân vật trong đội ngũ điều hành của Samsung làm chủ tịch tạm thời sẽ gây ra thêm phức tạp khi cần đưa ra quyết sách quan trọng. Rõ ràng nhất chính là khi ông Lee đảm nhận vai trò của cha mình.

Samsung không mong muốn một sự thay đổi lớn nào khác. Tập đoàn này đang đối mặt với loạt thử thách từ Apple cùng các đối thủ cạnh tranh mới nổi ở Trung Quốc trong thị trường điện thoại thông minh cũng như mối khó khăn kinh niên về vấn đề giá cả của con chip bộ nhớ. Samsung cũng đang bắt tay đầu tư cho những sáng kiến đắt đỏ trong công nghệ không dây thế hệ thứ năm và ngành đúc bán dẫn. 

Chú thích ảnh
Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul cho biết ông Lee Jae-yong bị truy tố về hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật về thị trường vốn và một số hành vi phạm pháp khác trong thương vụ sáp công ty Samsung C&T và công ty công nghiệp Cheil năm 2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sư Chang chỉ ra rằng ông Lee không cần phải điều hành các đơn vị kinh doanh riêng biệt bởi Samsung đã có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Đó là sự tương phản rõ rệt so với những ngày đầu ông Lee Kun-hee nắm quyền lãnh. Thời đó, cha của ông Lee Kun-hee phụ trách sâu vào các bộ phận chủ chốt. 

“Ông ấy không cần phải trở thành một Lee Kun-hee khác; họ có bộ máy quản lý chuyên nghiệp mạnh hơn trước nhiều lần. Ông ấy nên là một nhà điều hành khác so với cha mình”, ông Chang nói. 

Mối rắc rối về pháp lý của ông Lee có thể còn kéo dài nhiều năm. Trong năm nay, ông cần đối mặt với một phiên xét xử lại các cáo buộc hối lộ và tham nhũng nữa trong khi các phán quyết của tòa án có thể được đưa ra vào đầu năm sau. Ngoài ra theo dự kiến, ông cũng phải hầu tòa về tội làm giả sổ sách vào đầu năm 2021.

Các vụ truy tố như vậy ở Hàn Quốc không gây ra vết nhơ cho sự nghiệp của doanh nhân như ở nhiều nước khác. Ông Lee Kun-hee từng bị kết án hai lần và được ân xá hai lần. Chủ tịch của SK Group cũng từng ngồi tù năm 2013, sau đó quay lại nắm quyền điều hành công ty năm 2016. Giáo sư Chang nói đùa rằng nhà tù gần giống như "trường cao học" của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc.

Xuân Chi/Báo Tin tức
Thử sức bền của màn hình iPhone 12 từ độ cao 1,8m
Thử sức bền của màn hình iPhone 12 từ độ cao 1,8m

Công ty bảo hiểm Allstate (Mỹ) đã thực hiện cuộc thử nghiệm sau khi Apple tuyên bố màn hình Ceramic Shield của dòng iPhone 12 mới “bền hơn bất kỳ màn hình điện thoại nào”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN