Theo phóng viên TTXVN tại Praha, phát biểu trên Đài truyền hình Séc, Phó Cục trưởng Cục Dược phẩm Séc Martin Kopecky cho biết hiện các nhà thuốc tại quốc gia Trung Âu này đang không có thuốc kháng sinh nhỏ mắt hay ngay cả siro và thuốc giảm sốt dạng viên. Theo ông Kopecky, không chỉ ở Séc, ngay cả tại quốc gia láng giềng của Séc vốn nổi tiếng về dược phẩm là Đức, tình trạng khan hiếm các mặt hàng dược phẩm nói trên cũng đang diễn ra.
Một số chuyên gia về dược phẩm Séc nhìn nhận, vấn đề đáng lo ngại hơn đó là tình trạng thiếu các loại thuốc không thể thay thế. Dược sĩ Eva Paskova tại nhà thuốc Devetsil Pharmacy ở thành phố Plzen (Séc) cho biết lâu nay insulin là loại dược phẩm không thể thay thế, do đó khi không thể tự mua tại các nhà thuốc vì không có để bán, nhiều bệnh nhân đã buộc phải trở lại điều trị tại các bệnh viện.
Trong khi đó, dược sĩ Veronika Fojtikova, chủ nhà thuốc BENU tại Plzen cũng cho biết các nhà thuốc tại thành phố này đang phải giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị dị ứng cho trẻ em bằng cách phối hợp với các bác sĩ nhi khoa tại các bệnh viện để kê đơn bằng hoạt chất thay thế khác, đồng thời thay đổi toàn bộ phương pháp điều trị cho các bệnh nhi bị dị ứng.
Theo bà Alena Dvorakova, quản lý nhà thuốc bệnh viện Đại học Plzen, nhiều nguyên nhân khiến các hãng dược phẩm Séc ngừng hoạt động như khó khăn trong quá trình sản xuất do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu hay tình trạng mất điện, vấn đề nhu cầu tăng cao hoặc phân phối không đồng đều trên thị trường do chênh lệch giá giữa các khu vực.
Theo Đài truyền hình Séc, tình trạng thiếu thuốc cũng đang diễn ra tại các quốc gia châu Âu khác. Cục Dược phẩm Bộ Y tế Séc đã quan tâm đến vấn đề tự cung tự cấp trong sản xuất dược phẩm của châu Âu trong một thời gian dài. Ông Kopecky nhấn mạnh rất nhiều loại thuốc hoặc tá dược được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên sau đó những loại sản phẩm này trở nên khan hiếm tại châu Âu chỉ vì những nguyên nhân khách quan như việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu.
Người phát ngôn Bộ Y tế Séc Eliska Machova cho biết bộ này đang chuẩn bị đưa ra một số đề xuất nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện thường xuyên khiến việc sản xuất thuốc bị gián đoạn.
Chiến lược dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) về việc tự cung tự cấp dược phẩm cũng là một trong những ưu tiên chính về y tế của Cộng hòa Séc trong nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của EU từ nay đến hết năm 2022.