Đà điểu đầu mào Cassowary sống trong môi trường tự nhiên. Ảnh: Getty Images.
Không phải loài chim nào cũng có thể khiến người Australia sợ hãi. Nhưng điều này lại không dành để nói về loài đà điểu đầu mào Cassowary - một trong những loài chim lớn nhất thế giới - trông như một sinh vật đến từ kỷ nguyên địa chất xa xưa. Loài chim này cao ngang một người trưởng thành, có bộ lông đen bóng, đôi mắt sắc bén, đi bằng hai chân, nặng tới 63kg và sở hữu một móng vuốt hình lưỡi dao sắc nhọn ở mỗi bàn chân.
"Chúng có nét gì đó nguyên thủy. Chúng trông giống như khủng long còn sống", ông Andrew Mack, người đã dành 5 năm nghiên cứu đà điểu đầu mào trong môi trường tự nhiên tại Papua New Guinea, cho biết.
Cassowary thuộc họ đà điểu chạy, không biết bay và được mệnh danh là loài chim nguy hiểm nhất thế giới. “Người họ hàng” và dường như nổi tiếng hơn của Cassowary là loài đà điểu Emu (đà điểu châu Đại dương) - một trong những biểu tượng quốc gia của Australia. Loài Cassowary chủ yếu sống khép kín trong những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, nơi con người hiếm khi đặt chân đến và hiện đang trong tình trạng bị đe dọa nguy cấp.
Bên cạnh vẻ ngoài ấn tượng, Cassowary còn là một phần thiết yếu của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Là loài ăn trái cây lớn nhất thế giới, chúng ăn và tiêu hóa hàng chục loại quả mỗi ngày, sau đó thải ra hạt giống, giúp phát tán và tái tạo thảm thực vật trong khu rừng.
Điều đặc biệt hơn nữa là Cassowary là một trong số ít loài động vật mà con đực đảm nhận phần lớn việc chăm sóc con. Sau khi đẻ trứng, chim mẹ rời tổ, để chim bố tự ấp trứng và nuôi con. Chúng rất bảo vệ con của mình. Hầu hết những cuộc chạm trán không liên quan đến nguồn thức ăn giữa Cassowary và con người xảy ra khi ai đó vô tình đến quá gần chim con.
Làm thế nào để tránh xung đột với Cassowary?
Năm ngoái, một video lan truyền trên mạng cho thấy một người phụ nữ ở Queensland cố gắng giữ chiếc bánh burger McDonald’s của mình khỏi móng vuốt của một con Cassowary đang đói.
Dù có vẻ ngoài đáng sợ nhưng ông Peter Rowles khẳng định: "Số lượng Cassowary chết vì con người nhiều hơn số người chết vì Cassowary". Ông Rowles là người sáng lập tổ chức bảo tồn Cassowary (C4), đồng thời là cư dân sống lâu năm tại Mission Beach. Đây là một thị trấn ven biển ở miền Bắc Queensland nằm gần Vườn quốc gia Daintree—môi trường sống chính của loài Cassowary tại Australia.
"Nếu bạn gặp Cassowary ngoài tự nhiên, việc đầu tiên nên làm là để tay ra sau lưng. Hãy tỏ ra thật rầu rĩ hết mức có thể để tránh thu hút sự chú ý của con Cassowary đó. Di chuyển ra sau một cái cây. Chỉ cần hòa vào môi trường. Đừng la hét, hét lớn và vung tay. Nếu bạn có thức ăn trong tay, hãy bỏ vào túi, để ra sau lưng, cất đi. Tốt hơn là làm như vậy và tỏ ra buồn chán hơn là bị nhầm với nguồn thức ăn tiềm năng”.
Nếu vô tình chạm trán một con Cassowary, bản năng của con người có thể là la hét và bỏ chạy theo chiều ngược lại, nhưng điều này thực ra lại phản tác dụng. Giống như đà điểu Emu và đà điểu châu Phi, Cassowary là loài đi hai chân và có thể chạy nhanh ngang một người bình thường.
Mặc dù mọi người có thể muốn vứt bỏ thức ăn trước khi chạy trốn, nhưng các chuyên gia về Cassowary cho biết người phụ nữ trong video lan truyền trên mạng đã giữ lại chiếc bánh của mình và điều đó là chính xác những gì cần nên làm lúc đó.
Một nghiên cứu năm 2001 trên Tạp chí Động vật học (Journal of Zoology) kết luận rằng việc con người cho Cassowary ăn là nguyên nhân của 75% những vụ chạm trán nguy hiểm với chúng.
Tác giả của nghiên cứu trên, ông Christopher P. Kofron đã viết: "Việc cho Cassowary ăn dường như làm thay đổi hành vi tự nhiên của chúng, khiến chúng trở nên táo bạo và hung dữ hơn". Ông cũng cho biết thêm rằng trong vụ tấn công gây chết người duy nhất được ghi nhận, nạn nhân đã cố gắng giết con Cassowary.
Tại Papua New Guinea, Cassowary không phải là loài được đưa vào danh sách được bảo vệ và người dân địa phương thường săn bắt để làm thực phẩm. Tuy nhiên, những con Cassowary ở đây thường là loài nhỏ hơn so với họ hàng của chúng tại Australia.
Ông Rowles cũng khuyến cáo du khách không nên lái xe màu đen hoặc xanh đậm nếu muốn tránh xa Cassowary khi đến Queensland. Trước đây, loài chim này đã từng nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên thân xe và trở nên hoảng loạn vì tưởng rằng đó là đối thủ của mình. Chúng cũng có phản ứng tương tự với gương hoặc cửa kính, vì vậy người dân ở Mission Beach thường lắp màn chắn để giảm độ phản chiếu.
Khi tổ chức C4 mới thành lập, họ đã dựng bức tượng một con Cassowary đực trước văn phòng của mình. Không lâu sau đó, một con Cassowary cái xuất hiện và cố gắng "tán tỉnh" bức tượng. Tuy nhiên, khi nhận ra "đối phương" không đáp lại, nó trở nên giận dữ.
Một thành viên của tổ chức này miêu tả rằng đến ngày thứ 3, con Cassowary cái đã thể hiện thái độ kiểu như: “nếu anh không chịu giao phối với tôi, thì anh là đối thủ cạnh tranh trong lãnh thổ của tôi’. Nó bắt đầu đá vào bức tượng Cassowary tội nghiệp bằng sợi thủy tinh, đâm thủng phần ngực và khiến bức tượng bị đổ xuống đất. Sau đó, bức tượng đã được sửa chữa hiện được đặt ở một nơi an toàn hơn, bên trong văn phòng C4.